Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quỹ Tín dụng Nhân dân: Thực trạng và giải pháp

09/01/2025 - 23:57
(Bankviet.com) So với các ngân hàng thương mại, chuyển đổi số của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) diễn ra còn chậm với nhiều khó khăn, thách thức, nhận thức về chuyển đổi số còn tương đối mơ hồ. Vì vậy, để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đối với hệ thống QTDND cần phải có lộ trình, giải pháp cụ thể mới đạt được yêu cầu và mục tiêu đặt ra.

Tóm tắt: Trước xu thế “bùng nổ” của CMCN 4.0 trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chủ động và đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. So với các ngân hàng thương mại, chuyển đổi số của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) diễn ra còn chậm với nhiều khó khăn, thách thức, nhận thức về chuyển đổi số còn tương đối mơ hồ. Vì vậy, để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đối với hệ thống QTDND cần phải có lộ trình, giải pháp cụ thể mới đạt được yêu cầu và mục tiêu đặt ra.

Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống QTDND hiện nay và đề xuất một số giải pháp mang tính tổng thể để các QTDND thực hiện chuyển đổi số một cách khả thi.

Từ khóa: CMCN 4.0, thanh toán, Quỹ Tín dụng nhân dân, chuyển đổi số

INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION IN OPERATIONS OF THE PEOPLE'S CREDIT FUND: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Abstract: In the context of "explosive" trend of 4.0 Industrial Revolution in all areas of social life, credit institutions must be proactive and take the lead in applying information technology and digital technology to meet the requirements on reality. Besides perfecting traditional payment services, Vietnam commercial banks have invested significantly in new technology, core banking, building an open banking ecosystem, and deploying new and modern payment services based on the application of information technology, ensuring safety and convenience, better satisfying the needs of customers, in accordance with regional and global payment trends. In comparison with commercial banks, the digital transformation in the People's Credit Fund (PCF) system is still slow with many difficulties and challenges, and the awareness of digital transformation of the People's Credit Fund is still relatively vague. Therefore, it is necessary to have a specific roadmap and solutions to achieve the set requirements and goals in the implementation of digital transformation for the PCF system.

In this article, the authors analyze the current situation of information technology application in the PCF system and propose some comprehensive solutions for PCFs to implement digital transformation in a feasible way.

Keywords: 4.0 Industrial Revolution, payment, People's Credit Fund, digital transformation

Trong nhiều năm trở lại đây, công nghệ thông tin đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Bất kể một lĩnh vực hay ngành nghề nào cũng đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng ngày càng gia tăng, mang lại hiệu quả cao và sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.

Đồng thời, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Theo đó, làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong cấu trúc tổ chức, phương thức hoạt động, quản trị rủi ro, cung ứng sản phẩm, dịch vụ nhằm thích ứng với thời đại số.

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang chủ động nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hạ tầng công nghệ, hạ tầng thanh toán số; đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ số phục vụ cho lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.

Về phía các TCTD, đứng trước xu thế “bùng nổ” của CMCN 4.0 trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi các TCTD phải chủ động và đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, so với các ngân hàng thương mại, công tác chuyển đổi số của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) diễn ra còn chậm với nhiều khó khăn, thách thức, nhận thức về chuyển đổi số của QTDND còn tương đối mơ hồ. Vì vậy, để thực hiện được chiến lược chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đối với hệ thống QTDND phải có lộ trình, giải pháp cụ thể mới đạt được yêu cầu và mục tiêu đặt ra.

I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA HỆ THỐNG QTDND

1. Tình hình hoạt động của hệ thống QTDND

QTDND là TCTD do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Theo số liệu tổng hợp của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, đến ngày 30/9/2023, toàn hệ thống có 1179 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố, tổng tài sản của hệ thống QTDND đạt hơn 178,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 130,8 nghìn tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt hơn 158 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là hơn 12,7 nghìn tỷ đồng; Kết quả kinh doanh (Thu nhập – Chi phí): 1.625,5 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổ chức đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) – ngân hàng của tất cả các QTDND do các QTDND và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật Các TCTD, nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND. Đến ngày 30/9/2023, NHHTX hoạt động gồm có trụ sở chính và 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch, tổng tài sản đạt hơn 54,7 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng; huy động tiền gửi từ QTDND đạt hơn 41,4 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 4.297 tỷ đồng (chiếm 7,9% so với tổng tài sản). Kết quả kinh doanh (Thu nhập – Chi phí): 178,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.

2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, điều hành và cung cấp sản phẩm, dịch vụ

2.1. Đối với hệ thống QTDND

Trong những năm gần đây, QTDND đã xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là một yếu tố quan trọng giúp cho các QTDND tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của thành viên, khách hàng.

Hệ thống QTDND đã trang bị máy tính, máy in, hệ thống mạng đáp ứng cơ bản yêu cầu hoạt động. Các QTDND đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý hoạt động QTDND góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành, quản lý hoạt động của QTDND một cách chính xác, giúp Ban lãnh đạo QTDND thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành một cách khoa học, kiểm soát hạn chế rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động và hình ảnh chuyên nghiệp của QTDND khi phục vụ khách hàng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số, các QTDND chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư vào hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu điều hành, quản trị, kiểm soát cũng như bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động của QTDND, cụ thể:

- Hạ tầng máy tính, máy chủ, hệ thống mạng, an toàn hệ thống còn đơn giản, lạc hậu: Hầu hết các QTDND không có thiết bị tường lửa (Firewall) để đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng nội bộ; Sử dụng máy tính để bàn để làm máy chủ cho phần mềm quản lý hoạt động nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng; Không có máy chủ sao lưu dữ liệu dự phòng, không có phòng máy chủ riêng đạt tiêu chuẩn; Máy tính của cán bộ nhân viên QTDND cài đặt các phần mềm không có bản quyền, tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin.

- Công tác quản trị hệ thống công nghệ thông tin tại QTDND phụ thuộc chủ yếu vào các công ty cung cấp phần mềm nên tính sẵn sàng khi có sự cố không cao; QTDND không có cán bộ chuyên trách về hệ thống công nghệ thông tin, trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ nhân viên QTDND còn hạn chế. Các QTDND chưa thực sự chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng nhân sự về công nghệ thông tin.

- Các sản phẩm, dịch vụ của QTDND sử dụng phần mềm ứng dụng không nhiều, chủ yếu là huy động và cho vay đối với thành viên. QTDND chưa có phương thức tự động để người gửi tiền tra cứu số dư tiền gửi và thông báo số dư tiền gửi tự động khi có biến động về số dư.

- Các QTDND có sử dụng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ trích xuất báo cáo khi thực hiện gửi báo cáo điện tử cho NHNN qua hệ thống báo cáo thống kê. Tuy nhiên, một số biểu báo cáo trích xuất từ phần mềm còn thiếu dữ liệu hoặc số liệu trích xuất không khớp đúng giữa các biểu báo cáo.

2.2. Đối với NHHTX

Hạ tầng công nghệ thông tin: NHHTX là tổ chức đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị điều hành và cung cấp sản phẩm. Để phục vụ cho hoạt động của cả hệ thống QTDND, NHHTX đã triển khai trung tâm dữ liệu đáp ứng chuẩn TIA-942 cấp độ 2, về cơ bản đáp ứng hoạt động của NHHTX, bao gồm:

- Hệ thống máy chủ phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ

- Hệ thống tủ đĩa lưu trữ và mạng lưu trữ

- Hệ thống chuyển mạch lõi

- Hệ thống tường lửa 2 lớp cho các hệ thống bên ngoài và các hệ thống nội bộ

- Hệ thống mạng diện rộng (mạng WAN) được triển khai đồng bộ từ Trụ sở chính đến các chi nhánh và Phòng giao dịch. Các kết nối từ QTDND đến NHHTX được thực hiện qua mạng Inter-net thông qua công nghệ mạng riêng ảo (VPN) và mã hóa trên đường truyền (SSL).

Hệ thống ứng dụng: Từ năm 2015 đến năm 2022, NHHTX đã tập trung triển khai mới, nâng cấp các ứng dụng nghiệp vụ, bao gồm: Hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking); Hệ thống thanh toán chuyển tiền (CF-eBank); Hệ thống thông tin quản lý QTDND (PRMS); Hệ thống quản lý nguồn vốn, điều chuyển nguồn vốn và kinh doanh vốn; Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Hệ thống thông tin báo cáo thống kê và quản trị nội bộ.

Trong thời gian qua, NHHTX đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số cho các QTDND và đạt kết quả tích cực, cụ thể:

- Hệ thống CF-eBank: Cung cấp các dịch vụ thanh toán chuyển tiền trong nước, truy vấn thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, thông tin khoản vay, sao kê tài khoản tự động, thanh toán hóa đơn,… qua đó cho phép thành viên tại QTDND có thể thực hiện các giao dịch chuyển khoản, thanh toán cũng như nhận tiền chuyển đến. Theo báo cáo của NHHTX, đến quý II/2023, tổng số QTDND tham gia hệ thống CF-eBank là 745 QTDND trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố, có doanh số chuyển tiền đi là 13.943 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022), doanh số chuyển tiền đến là 11.976 tỷ đồng (tăng 192% so với cùng kỳ năm 2022).

- Ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking: Cung cấp cho các cán bộ nhân viên NHHTX, thành viên QTDND các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán hóa đơn, đặt vé trực tuyến,…

- Thẻ chip Co-opBank Napas: cung cấp thấu chi cho cán bộ nhân viên và thành viên QTDND.

- Hệ thống Quản lý thông tin báo cáo QTDND (PRMS): Tổng hợp dữ liệu từ các QTDND để xây dựng 22 báo cáo đầu ra hỗ trợ QTDND giám sát các hoạt động kinh doanh thường nhật và kịp thời phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Đồng thời hệ thống PRMS là một công cụ hiệu quả giúp nâng cao năng lực giám sát của NHHTX đối với hệ thống QTDND.

- Hệ thống trục thanh toán (Payment Hub): Kết nối trực tiếp giữa hệ thống công nghệ thông tin của NHHTX với hệ thống thông tin của các QTDND để từ đó các QTDND có thể cung cấp trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cho thành viên QTDND ngay tại hệ thống của QTDND.

II. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HỆ THỐNG QTDND TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số là cơ hội để hệ thống QTDND nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, các QTDND cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

1. Cơ hội

- Mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ: Thành tựu của việc chuyển đổi số đã rút ngắn thời gian và chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

- Tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng: Chuyển đổi số tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và thu thập thông tin. Các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp. Việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin sẽ mở ra cơ hội để các QTDND tiếp cận những phần mềm tiện ích với chi phí phù hợp.

- Mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng: Với việc áp dụng các kĩ thuật công nghệ tiên tiến, các QTDND có thể xây dựng được các mô hình vô cùng tối ưu. Mô hình này cho phép nhanh chóng mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng trẻ, có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp trong tương lai; đồng thời gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí hiệu quả. Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ giống như được cung cấp bởi con người.

- Đa dạng hóa sản phẩm: Chuyển đổi số có thể giúp các QTDND đưa ra được những sản phẩm sáng tạo đột phá mới để mở rộng những mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thời đại công nghệ.

2. Thách thức

- Về nhận thức: Nhận thức về chuyển đổi số của các QTDND còn hạn chế, đa phần các QTDND chưa hiểu đúng và nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

- Về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số: Lãnh đạo của các QTDND chưa quyết tâm và nỗ lực trong quá trình chuyển đổi số, chưa có kỹ năng, kiến thức trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số.

- Về hạ tầng công nghệ thông tin: (i) Hạ tầng kỹ thuật của các QTDND chỉ mới bao gồm các trang thiết bị cơ bản phục vụ giao dịch tài chính mang tính truyền thống như: Máy tính, máy in, hệ thống mạng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các QTDND phụ thuộc toàn bộ vào đơn vị cung cấp phần mềm hoặc NHHTX. Phần mềm sử dụng đều là các phần mềm nghiệp vụ riêng biệt, không có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu. Kiến trúc an toàn, bảo mật thông tin ở mức thấp (sử dụng phần mềm diệt virus miễn phí, hệ điều hành không có bản quyền, không có chính sách quản lý mật khẩu và phân quyền người dùng); (ii) Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức nên khó có khả năng nâng cấp, áp dụng các giải pháp công nghệ số.

- Về nguồn lực tài chính: (i) Quy mô tổng tài sản, nguồn vốn, tiềm lực tài chính của các QTDND không đồng đều và còn hạn chế rất nhiều so với các ngân hàng thương mại, dẫn đến khả năng đầu tư tài chính để thực hiện chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của mỗi QTDND là rất khó thực hiện một cách toàn diện và triệt để; (ii) Các QTDND không có ngân sách đầu tư công nghệ thông tin, số tiền chi trả cho công nghệ thông tin được coi là chi phí mà không phải khoản đầu tư; (iii) Đối với các QTDND có quy mô nhỏ, việc tương thích với các hệ thống khác và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật là một thách thức lớn. Các nhà cung cấp giải pháp công nghệ số thường tập trung vào các khách hàng lớn hơn và có ngân sách đầu tư lớn hơn.

- Về nhân sự: (i) Hầu hết các QTDND không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, lãnh đạo QTDND chưa thành thạo về công nghệ thông tin dẫn đến rủi ro về thông tin báo cáo không chính xác. Khi có sự cố công nghệ thông tin, các QTDND phải thuê nhân viên bên ngoài đến khắc phục, gây ra rủi ro trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu hoạt động của QTDND; (ii) Cán bộ của QTDND không thể sử dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả và gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh số.

Ngoài ra, một số vấn đề về pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật cũng là những thách thức cần phải giải quyết như: Sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, chứng từ điện tử; việc định danh và xác thực khách hàng điện tử; việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ,… với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; sự đồng bộ và chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa kênh cho khách hàng.

III. GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG QTDND

Từ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và thách thức của các QTDND trong quá trình chuyển đổi số, bài viết đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN:

Thứ nhất, thực hiện chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Tuyên truyền cho lãnh đạo và cán bộ của các QTDND nâng cao trách nhiệm và hiểu đúng về chuyển đổi số, chính sách của Chính phủ, NHNN về chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại hiện nay.

Thứ hai, hình thành và phát triển mô hình ngân hàng số tại NHHTX, QTDND.

- Làm việc với các công ty cung cấp phần mềm nghiệp vụ cho QTDND để chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, hạ tầng công nghệ thông tin của các QTDND để đề xuất mô hình chuyển đổi, các ứng dụng số (phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, công cụ hỗ trợ,…) phù hợp với thực tế hoạt động của các QTDND trong hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ, sẵn sàng kết nối, tích hợp với NHHTX triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, quản lý, kiểm soát rủi ro đối với hệ thống QTDND.

- Phân loại QTDND theo năng lực và tiềm lực để xây dựng chiến lược, kế hoạch, giải pháp, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với từng phân loại QTDND.

- Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình cung cấp sản phẩm để tạo thuận lợi cho khách hàng; xây dựng các nghiệp vụ cho phép khách hàng, QTDND, thành viên QTDND có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số thông qua việc kết nối vào hệ thống thanh toán của NHHTX; phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số.

Nghiên cứu khả năng về việc NHHTX hỗ trợ xây dựng, phát triển dữ liệu số cho hệ thống QTDND, làm sạch dữ liệu trong quá trình thu thập của QTDND để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động.

Thứ tư, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

NHHTX nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin có trao đổi dữ liệu trên môi trường mạng; đảm bảo kết nối thông suốt, liên tục từ hội sở tới các chi nhánh NHHTX, phòng giao dịch và các QTDND; Thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro để có phương án dự phòng và giải pháp ứng phó kịp thời trong quá trình vận hành, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng.

Thứ năm, chuẩn bị nguồn lực tài chính.

- Các QTDND cần có kế hoạch tích lũy, chuẩn bị nguồn lực tài chính để nâng cấp, hoàn thiện và chuẩn hóa hạ tầng công nghệ thông tin theo đúng quy chuẩn để có thể thực hiện quản trị trên môi trường số và sẵn sàng kết nối, tích hợp với NHHTX triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính trực tuyến.

- NHHTX làm đầu mối tiếp nhận hỗ trợ để thực hiện đối với hệ thống QTDND đối với các chính sách quy định tại Điều 20 (Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn), Điều 24 (Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số), Điều 25 (Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường), Điều 26 (Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị), Điều 27 (Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro) Luật Hợp tác xã năm 2023.

Thứ sáu, chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

- Đào tạo cho các cán bộ của QTDND kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, vai trò, lợi ích của chuyển đổi số thông qua các hình thức tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, hội nghị chuyên đề,….

- Đào tạo, hướng dẫn cán bộ của các QTDND về sử dụng, vận hành các công nghệ số, sản phẩm mới do NHHTX cung cấp cho QTDND.

- Đào tạo về quy trình nội bộ sau khi chuẩn hóa cho các QTDND nắm được cách thức, quy trình làm việc mới, đảm bảo QTDND tránh được những khó khăn khi thực hiện nghiệp vụ.

IV. CÁCH THỨC THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG QTDND

1. Điều kiện

Để thực hiện chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND một cách đồng bộ, thống nhất, cần các điều kiện sau:

- Các QTDND dùng chung các giải pháp công nghệ số để tiết kiệm chi phí đầu tư.

- Xây dựng quỹ tài chính chung để phục vụ quá trình chuyển đổi số.

- Xây dựng phần mềm, hệ thống bảo mật, an ninh mạng, trung tâm dự phòng thảm họa dùng chung.

- Xây dựng kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số để hệ thống QTDND cùng thực hiện.

- Cần có đơn vị đầu mối có năng lực, có vai trò liên kết hệ thống là NHHTX và Hiệp hội QTDND.

- Cần có đơn vị đầu mối tiếp nhận các hỗ trợ để phục vụ chung toàn hệ thống, tránh dàn trải, lãng phí.

2. Cách thức thực hiện

Từ hiện trạng và thách thức của các QTDND hiện nay, có thể nhận thấy từng QTDND không thể thực hiện một cách đơn lẻ vì khả năng, nguồn lực (vốn và con người) rất hạn chế. Trường hợp QTDND quy mô lớn có khả năng thực hiện chuyển đổi số thì cũng khó có thể nhân rộng, áp dụng cho toàn bộ hệ thống QTDND vì quy mô các QTDND chủ yếu nhỏ và không đồng đều nhau.

Do đó, để thực hiện chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND một cách đồng bộ, thống nhất thì NHHTX với vai trò liên kết hệ thống QTDND, cần là đơn vị đầu mối nghiên cứu, đánh giá khả năng thực hiện các giải pháp đồng bộ thống nhất cho toàn hệ thống về nhận thức; chiến lược; hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn lực tài chính; nhân sự như nêu tại mục III trên; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể triển khai thực hiện chuyển đối số đối với NHHTX và hệ thống QTDND.

Hiệp hội QTDND với vai trò liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các QTDND, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của QTDND, là đơn vị phối hợp với NHHTX trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2023

Hà Anh Tú và nhóm tác giả

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ