Taobao - nền tảng bán lẻ chủ lực của Alibaba miễn phí vận chuyển quần áo, hỗ trợ tiếng Việt để cạnh tranh với Shopee, Shein và Temu | |
Temu chính thức ra mắt tại Việt Nam: Cơ hội hay thách thức cho thương mại điện tử nội địa? |
Temu là gì?
Temu là nền tảng thương mại điện tử được phát triển bởi PDD Holdings – một trong những tập đoàn hàng đầu Trung Quốc. Trước đó, Temu đã ra mắt tại Mỹ vào năm 2022 và nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động ra khắp các thị trường lớn như Anh, châu Âu và hiện nay đã có mặt tại Việt Nam. Kể từ khi ra mắt, ứng dụng này đã trở thành xu hướng toàn cầu với hơn 152 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ và hàng triệu lượt tải xuống từ người dùng toàn cầu.
Tại sàn thương mại này, Temu đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng từ quần áo, đồ điện tử, nội thất đến các sản phẩm gia dụng với giá cực kỳ cạnh tranh. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy các món hàng với giá chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí nhiều sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng.
Sức hút của Temu không chỉ đến từ chính sách giá rẻ mà còn từ mô hình kinh doanh giúp loại bỏ khâu trung gian và giảm giá thành sản phẩm. Điều này cho phép Temu bán hàng với mức giá rẻ nhất có thể và đồng thời cung cấp nhiều ưu đãi khuyến mãi liên tục để thu hút người dùng. Ngoài ra, Temu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để phân tích xu hướng tiêu dùng và từ đó cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng người tiêu dùng. Đây là chiến lược giúp Temu tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ.
Chất lượng sản phẩm của Temu ra sao?
Giá thành luôn đi đôi với chất lượng, mặc dù nhiều khách hàng cảm thấy hài lòng với mức giá "hời" và các sản phẩm nhận được nhưng một số khác lại phàn nàn rằng hàng hóa không giống với hình ảnh hoặc chất lượng thấp hơn mong đợi. Việc bán hàng quá rẻ khiến Temu đối mặt với nhiều chỉ trích, đặc biệt là liên quan đến việc công ty bị cáo buộc trả lương thấp cho công nhân sản xuất. Tuy nhiên, Temu đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này.
Ngoài ra, một số quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia, đã phải ban hành lệnh cấm đối với Temu. Lý do chính quyền Indonesia đưa ra là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nước này trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Temu gây ra áp lực lớn cho các nhà sản xuất và tiểu thương trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng lệnh cấm của Indonesia đối với Temu và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác chưa chắc sẽ lan rộng sang các quốc gia khác trong khu vực. Ở thời điểm hiện tại, Indonesia là quốc gia đầu tiên có động thái mạnh mẽ như vậy nhưng các nước khác vẫn đang xem xét tác động từ mô hình kinh doanh của Temu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tương lai của Temu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Temu hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường thương mại điện tử vốn đã có sự hiện diện của nhiều "ông lớn" như Shopee, Lazada, Tiki. Với mô hình kinh doanh giá rẻ và chính sách khuyến mãi liên tục, Temu có thể thu hút lượng lớn người tiêu dùng, đặc biệt là những người muốn mua sắm với giá tiết kiệm.
Tuy nhiên, Temu cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức về chất lượng sản phẩm và các quy định kinh doanh nghiêm ngặt tại Việt Nam. Liệu ứng dụng này có thể duy trì được đà phát triển và tạo dựng được lòng tin từ người tiêu dùng, vẫn là một câu hỏi lớn.
Minh Phương