Phát hiện cơ sở đóng gói lượng lớn thuốc đông y gia truyền nghi giả Hà Nam: Khởi tố hình sự vụ sản xuất, buôn bán thuốc đông y gia truyền giả |
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và cấp cứu cho nam bệnh nhân 65 tuổi trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ý thức chậm, buồn nôn và có nôn ra thức ăn, phổi thông khí 2 bên giảm.
Mẫu thuốc đông y gia truyền mà bệnh nhân đã uống |
Qua quá trình khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân bị dị ứng tằm, tôm, cua, bị tê bì tay chân nhiều nhăm. Gần đây, người nhà có cắt thuốc nam cho bệnh nhân uống.
Sau khi uống thuốc, bệnh nhân đang đi làm thì có biểu hiện ngứa, đỏ da rải rác toàn thân. Bệnh nhân về nhà bôi rượu vào người để giảm ngứa nhưng sau đó triệu chứng mệt mỏi tăng lên, bệnh nhân ngã ra nền nhà, gọi hỏi đáp ứng chậm.
Bệnh nhân đã được cấp cứu nhanh, hiện sức khỏe dần ổn định, duy trì huyết áp trong giới hạn và được chuyển khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện điều trị.
Đáng tiếc, đây không phải trường hợp đầu tiên cấp cứu sau khi uống thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc mà trước đó không ít bệnh nhân sử dụng thuốc tùy tiện khiến rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Điển hình như nam bệnh nhân 63 tuổi (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội), sau khi nghe người quen giới thiệu về một loại thuốc nam dạng viên chữa tiểu đường đã bỏ ra 10 triệu đồng mua 20 gói về uống. Sau khi uống gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm, viên thuốc bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin - chất đã bị thế giới thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc đông y không nguồn gốc xuất xứ, như bệnh nhân N.T.T (30 tuổi, ở Hà Nội) tự mua thuốc đông y trên mạng để điều trị đái tháo đường. Sau khi sử dụng, nữ bệnh nhân đã phải nhập viện vì đường huyết tăng cao, sụt cân và mệt mỏi.
Thời gian gần đây, tình trạng bán thuốc qua mạng, quảng cáo thuốc tràn lan ngày càng đáng báo động. Các chuyên gia khuyến cáo, với bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, xương khớp, thận... người bệnh cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) – chia sẻ, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.
Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác.
Chia sẻ của bác sĩ tại nhiều bệnh viện cho thấy, những trường hợp cấp cứu sau khi uống thuốc đông y thời gian qua chủ yếu rơi vào bệnh nhân uống loại thuốc đông y gia truyền không có nguồn gốc, không có thành phần rõ ràng, không được kiểm định chất lượng. Có thể trong những thuốc này có thành phần giúp người bệnh, nhất là người mắc các bệnh về xương khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh nhưng để lại hệ lụy lâu dài và hết sức nặng nề.
Do đó, để điều trị hiệu quả các bệnh lý xương khớp, tê bì tay chân, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê đơn thuốc điều trị đúng bệnh.
Tâm An