Ổn định kinh tế vĩ mô và những kinh nghiệm Việt NamTập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tếHọp báo Chính phủ thường kỳ: Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, trong tháng 9 và quý IV năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn, nhất là 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung:
Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý công việc theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo ưu tiên cho tăng trưởng, nhất là 3 động lực: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan trong hệ thống chính trị.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế |
Nắm chắc tình hình để kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả trước các tình huống phát sinh. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe, đánh giá về tác động của chính sách trên tinh thần cầu thị, kịp thời có giải pháp phù hợp đối với các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.
Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt chú trọng triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; khẩn trương hoàn thiện, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, tờ trình, đề án, tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2023).
Chú trọng triển khai tích cực hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; thực thi quyết liệt, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có các chính sách về khơi thông nguồn vốn tín dụng, huy động các nguồn lực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí…; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ, yếu tố gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
Chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý; đồng thời, đánh giá kỹ tác động và có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.
Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trọng điểm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh và triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt.
Chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 06, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 và Thông báo số 238/TB-VPCP ngày 22/6/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2023.
Lê Na