Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bổ sung vốn trung hạn cho EVN

08/01/2024 - 16:02
(Bankviet.com) Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, từ chiều 8-1 đến ngày 9-1.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 29

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giải thích quy định tại khoản 1 điều 6 của Luật Đầu tư công. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bổ sung vốn trung hạn cho EVN

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh minh hoạ)

Cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cùng với đó là cho ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Vì vậy tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo luật này, mà sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Việc này để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của luật sau khi được ban hành.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của EVN là 4.382,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn trong 05 năm là rất lớn, khoảng 506.600 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay vốn trong và ngoài nước khoảng 177.924 tỷ đồng.

Trong năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư của EVN là 94.860 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án và 39.860 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay. Tính đến tháng 6/2023, EVN đã giải ngân vốn đầu tư được 29.803 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2023, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ước đạt 179.984 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất ước thực hiện lũy kế đến tháng 8/2023 của EVN là 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2022. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế của EVN lại bị liệt vào nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh còn hạn chế trong nhóm 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ước cả năm 2023, lỗ phát sinh của EVN cán mốc 37.062 tỷ đồng.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương