Ủy ban Tư pháp chỉ ra hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm

21/11/2023 - 20:12
(Bankviet.com) Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, tội phạm cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản trong năm 2023 tăng cao.
Thanh Hóa: Thành lập Lực lượng 282 phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông “Bật mí” cách phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 21/11 tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh:Quochoi.vn)

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, báo cáo của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể tội phạm gia tăng về số vụ... Đáng chú ý, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%...

Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Nga, năm 2023, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; chủ động tham gia tích cực cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan đề ra và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước như: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; chủ động phát hiện và hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân góp phần hạn chế phát sinh tội phạm; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục sơ hở, bất cập...

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm và xin nhấn mạnh một số nội dung sau: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết, và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.

Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế cụ thể: Số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen; Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở…; Xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận; Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ, nhưng số người bị thương lại gia tăng.

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2023, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm
Sáng 21/11 các đại biểu sẽ nghe các báo cáo và tiến hành thảo luận tại hội trường về công tác tư pháp (Ảnh:Quochoi.vn)

Về công tác điều tra, xử lý tội phạm, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 85,58% chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm…

Liên quan đến Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, Viện Kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng công tác này. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2022 như: Các cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 13%, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố tăng 41,1%. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát…

Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả cao hơn so với năm 2022. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đều tăng so với năm trước và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, số lượng tố giác, tin báo thụ lý trong kỳ phải tạm đình chỉ giải quyết còn khá lớn (56 tố giác, tin báo, chiếm 25,9% tổng số tin đã thụ lý)…

Bên cạnh đó, năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự được Tòa án chấp nhận là 64,6%, giảm 2,5%.

Ngoài ra, công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chất lượng công tác kiểm sát tại một số VKS địa phương chưa cao, nhất là về điều kiện, tiêu chuẩn xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nên chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục và xử lý vi phạm.

Đối với Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2023, mặc dù số lượng vụ án đã được thụ lý tăng so với năm 2022, các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Các Tòa án đã xét xử, giải quyết đạt 98%, vượt 10% so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số trường hợp áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát.

Công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự tiếp tục được các Tòa án chú trọng và cơ bản đáp ứng yêu cầu. Năm 2023, số vụ việc dân sự được Tòa án thụ lý tăng so với năm trước (tăng 24.426 vụ); tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,04%, vượt 9,04% so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, một số bản án, quyết định bị hủy, sửa do thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2023 có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết đơn đạt 63,19%, tăng 3,19% so với yêu cầu của Quốc hội. Chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đáp ứng yêu cầu; cơ bản đã khắc phục việc trả lời đơn là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị vì phát hiện sai lầm nghiêm trọng trong các bản án, quyết định của Tòa án.

Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và thực hiện chế định Thừa phát lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, hoạt động của Cơ quan Thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; các vụ án về kinh tế, tham nhũng, đã thu tăng trên 4.415 tỷ đồng (27,62%) so với cùng kỳ; công tác phối hợp tổ chức thi hành nghĩa vụ tài sản đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả thi hành xong thấp hơn so với cùng kỳ…

Về hoạt động Thừa phát lại, hiện nay, cả nước hiện có 194 Văn phòng Thừa phát lại, được thành lập tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 416 Thừa phát lại đang hành nghề (tăng 51 văn phòng). Tuy nhiên, hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương