Từ vụ FLC, tập trung vá 6 "lỗ hổng" quản lý nhà nước Nhiều tín hiệu tích cực để thị trường chứng khoán bứt tốc |
Thủ thuật nâng vốn ảo và “chạy” dòng tiền
Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để nâng vốn khống (nâng vốn ảo) trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán hay phát hành trái phiếu đã trở thành vấn đề nhức nhối. Nổi bật nhất là vụ nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (FLC Faros). Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã lập và ký khống hồ sơ góp vốn tại FLC Faros, nâng khống 3.102 tỷ đồng. Qua quá trình hợp thức hóa hồ sơ, FLC Faros đã được cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký lưu ký. Bằng nhiều thủ thuật nâng vốn khống FLC Faros, ông Quyết thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.
FLC Faros nâng khống 3.102 tỷ đồng. Ảnh: FLC Faros |
Theo giới phân tích, lỗ hổng trong vụ nâng vốn khống nằm ở quy định của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thời hạn góp vốn khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày kể từ khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng lại không quy định về thời hạn góp vốn khi đăng ký tăng vốn.
Trong khi đó, doanh nghiệp đăng ký tăng vốn nhưng không nộp thêm phần vốn góp vẫn có thể hoạt động, báo cáo và nộp thuế bình thường. Do đó, rất khó quản lý vốn điều lệ của doanh nghiệp đã đóng đủ hay chưa. Đây là lỗ hổng mà các cơ quan quản lý vẫn chưa làm kịp so với việc phát triển, tăng vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc nâng vốn khống, các doanh nghiệp còn tìm cách “chạy dòng tiền”, làm đẹp số liệu báo cáo tài chính để trục lợi liên quan hoạt động phát hành trái phiếu. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Tháng 6/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính với dư nợ tín dụng hơn 18.542 tỷ đồng. Nợ gốc đến hạn chưa thanh toán hơn 591 tỷ đồng và nợ lãi đến hạn chưa thanh toán là gần 602 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp tại các công ty rồi chỉ định người nhà hoặc các cá nhân, pháp nhân liên quan Tân Hoàng Minh đứng tên góp vốn, sở hữu cổ phần của 45 công ty. Trong đó có Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Dịch vụ khách sạn Soleil và Công ty cổ phần Dịch vụ Cung Điện Mùa Đông.
Ông Đỗ Anh Dũng sau đó đã thông qua "tay chân" lựa chọn các công ty thuộc tập đoàn phát hành trái phiếu riêng lẻ, loại hình trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền và lựa chọn hình thức trái phiếu có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua trái phiếu.
Tiếp đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, chạy dòng tiền khống để thanh toán trái phiếu. Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã thông qua phát hành trái phiếu để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư.
Làm sao để chặn việc nâng vốn khống?
Trước những bất cập trên, một số chuyên gia đã phân tích và đưa ra những biện pháp để ngăn chặn tình trạng nâng vốn khống. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, hiện tại chúng ta đã có đầy đủ công cụ để đánh giá được về tình trạng nâng vốn khống.
Theo quy định, trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải được chấp thuận công ty đại chúng. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ đánh giá về góp vốn, đánh giá về quá trình phân phối cổ phiếu, hồ sơ tài chính công ty, nếu đạt các tiêu chí mới được chấp nhận là công ty đại chúng.
Bước tiếp theo là quá trình xem xét quyết định cho giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCom, Sàn HoSE hay sàn HNX. Trong trường hợp khi đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp cần phải trải qua một khâu xét duyệt nữa. Do đó, nếu cơ quan quản lý chặt chẽ các khâu trên thì một doanh nghiệp nâng vốn khống sẽ rất khó được chấp thuận là công ty đại chúng.
Để vá được lỗ hổng tăng vốn khống này, các cơ quan quản lý cần thiết lập hệ thống đánh giá công khai minh bạch. Tại các cơ quan quản lý cần có bộ phận kiểm soát nội bộ, giám sát các hoạt động của các phòng ban và thực hiện kiểm tra chéo để hạn chế những sai phạm do yếu tố con người.
Chuyên gia cho rằng để trong sạch thị trường chứng khoán cần mạnh tay xử lý vấn đề nâng vốn ảo. Ảnh minh họa |
Cũng liên quan vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Hoan, Văn phòng Luật sư Đào Nguyễn cho rằng, việc chặn nâng khống phải có công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế.
Để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng nâng vốn ảo, các đơn vị tăng vốn điều lệ cần được giám sát thường xuyên. Do đó, khi doanh nghiệp tăng vốn thì cơ quan quản lý phải kiểm tra và yêu cầu báo cáo về tiến độ tăng vốn của các cổ đông. Trong trường hợp tăng vốn không đủ có thể cưỡng chế việc tăng vốn hoặc yêu cầu giảm vốn điều lệ.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp, đảm bảo vốn góp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải cho mục đích quay vòng tăng khống vốn điều lệ. Đặc biệt, doanh nghiệp tăng vốn bất thường, tăng vốn quá nhiều lần trong thời gian ngắn cũng cần quản lý chặt chẽ.
Đối với phần vốn góp của cổ đông cần quy định rõ thời hạn hoàn góp vốn khi doanh nghiệp tăng vốn. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động liên quan vốn điều lệ doanh nghiệp.
Ngoài ra, pháp luật cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định, cấm doanh nghiệp ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tăng mức xử phạt liên quan đến hành vi nâng vốn khống để tăng sức răn đe.
Thế Hoàng