Để đáp ứng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đảm bảo “chất lượng hàng hóa” hấp dẫn các nhà đầu tư mới cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, tính minh bạch trong công bố thông tin của các doanh nghiệp không chỉ là những con số tài chính được kiểm toán, đó là chiến lược phát triển mà ở đó quản trị minh bạch và hiệu quả gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi ESG và biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu và xu thế tất yếu, được luật hóa ở cả Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành có liên quan.
Chia sẻ tại hội thảo "Quản trị công ty và quản trị biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ minh bạch và hiệu quả" do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) hợp tác tổ chức ngày 13/5, ông Simon C.Y. Wong - Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững, Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL) cho rằng, hội đồng quản trị đóng vai trò trung tâm trong hệ thống quản trị công ty và phải định hướng cho công ty thực thi các hành động liên quan đến khí hậu.
“Tương tự các khu vực khác trên thế giới, tại Đông Nam Á, áp lực yêu cầu hội đồng quản trị của các doanh nghiệp dẫn dắt quá trình chuyển đổi khí hậu đang gia tăng”, ông Simon C.Y. Wong nói.
Lấy dẫn chứng tại Thái Lan, ông Simon C.Y. Wong cho biết, ngân hàng trung ương Thái Lan yêu cầu các hội đồng quản trị của các tổ chức tài chính “xác định định hướng chiến lược, khẩu vị rủi ro, chính sách chính và khuôn khổ tổng thể để giải quyết các thay đổi môi trường ngắn hạn và dài hạn”.
Trong khi đó, Malaysia ban hành Bộ Quy tắc quản trị công ty quy định rằng “hội đồng quản trị cùng ban điều hành chịu trách nhiệm về quản trị tính bền vững trong công ty” và yêu cầu hội đồng quản trị “cập nhật và hiểu rõ các vấn đề bền vững có liên quan đến công ty và hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu”.
Ông Simon C.Y. Wong khẳng định: “Xây dựng năng lực vững chắc về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị và ban điều hành là yếu tố then chốt”.
Phân tích dưới góc độ sâu hơn về hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp, bà Phạm Minh Hương - Giám đốc Dịch vụ Phát triển Bền vững, Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, quản trị công ty hay quản trị biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở các khoản đầu tư hay quy trình hiện tại, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng một hệ thống đủ khả năng phục hồi và phát triển bền vững trong dài hạn. Khi đó, các yếu tố như rủi ro và cơ hội sẽ được đánh giá cụ thể hơn trong hoạch định chiến lược tài chính.
Bà Hương cho rằng, các quy định mới về trách nhiệm tái chế bao bì và giảm thiểu rác thải theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp buộc phải đóng thêm phí bảo vệ môi trường hoặc chi trả cho việc xử lý rác thải. Trong bối cảnh thiên tai như lũ lụt, tài sản của doanh nghiệp có thể mất giá trị, đồng thời những tài sản có mức phát thải cao cũng sẽ dần bị giảm giá trị theo các quy định giảm phát thải mới.
Từ góc độ kiểm toán, điều này đặt ra yêu cầu đánh giá lại các khoản chi phí, dự phòng, trích lập liên quan và khả năng tổn thất giá trị tài sản. Kiểm toán viên cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp và hội đồng quản trị trong việc đánh giá tính đầy đủ, hợp lý của thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, được công bố trong báo cáo phát triển bền vững hoặc thuyết minh báo cáo tài chính.
Đồng thời theo đại diện của Deloitte, một yêu cầu quan trọng trong công bố thông tin phát triển bền vững là đảm bảo sự cân bằng – không chỉ thể hiện những thành tựu đạt được mà còn phải minh bạch về các hạn chế, rủi ro và tác động tiêu cực chưa khắc phục được. Báo cáo phát triển bền vững không chỉ phục vụ nhà đầu tư, mà còn là công cụ nội bộ giúp doanh nghiệp định hình chiến lược tương lai.
Hiện nay, các chuẩn mực mới như IFRS S1 và S2 yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về rủi ro và cơ hội từ biến đổi khí hậu trong báo cáo tài chính. Những thông tin phi tài chính có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và quyết định đầu tư cũng sẽ cần được trình bày minh bạch.
Khi các thông tin - cả tài chính và phi tài chính - được công bố một cách trung thực, kịp thời và có hàm lượng thực tiễn cao, đó chính là nền tảng để củng cố và gia tăng niềm tin của thị trường.
IFRS đã tích hợp nhiều khung hướng dẫn công bố trước đây như TCFD, SASB… Trong đó, 4 trọng tâm được nhấn mạnh là: quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro và các chỉ tiêu đo lường. Điều này cho thấy, để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần nhận diện đầy đủ các rủi ro và cơ hội, từ đó hoạch định chiến lược phù hợp. Đặc biệt, vai trò điều hướng và giám sát của hội đồng quản trị là yếu tố then chốt trong quá trình này.
Uyên Tô