Bệnh lạ bùng phát ở Congo, liệu có tái diễn kịch bản Covid-19? Bộ Y tế thông tin về bệnh giống Covid-19 ở Trung Quốc Sự 'bùng nổ' trở lại của du lịch Thụy Sĩ hậu Covid-19 |
Ngày 14/5, Bộ Y tế có thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam.
Theo đó, trong vòng 28 ngày qua (tính đến 27/4/2025), toàn thế giới ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm Covid-19 mới, giảm gần 57% so với 28 ngày trước đó. Thái Lan là điểm nóng mới với hơn 53.000 ca nhiễm từ đầu năm đến 10/5/2025, riêng Bangkok chiếm gần 1/3 số ca.
![]() |
Tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Á |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và hiện không có cảnh báo mới đối với Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong.
Trong đó TP. Hồ Chí Minh (34 trường hợp mắc), Hà Nội (19), Hải Phòng (21), Bắc Ninh (14), Nghệ An (17), Quảng Ninh (6), Bắc Giang (4), Bình Dương (4), 19 tỉnh, thành phố khác ghi nhận 1 đến 2 ca mắc/ tỉnh.
Bộ Y tế khẳng định không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần. Theo Bộ Y tế, không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 thời gian tới do người dân di chuyển trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng có thể sẽ không gia tăng các trường hợp nặng do biến thể của virus Covid-19.
Trước tình hình bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết). Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,6 triệu ca, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này, tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm. Hồi tháng 10/2023, Chính phủ đưa Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B thay vì nhóm A như trước, tức giảm cấp độ nguy hiểm và xem là bệnh thông thường như cúm. |