Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (cổng thông tin) do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022.
Đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức trong quý II/2024.
Trang chủ Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. (Ảnh chụp màn hình) |
Tại cổng thông tin, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin gồm: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng…
Trước đó, cổng thông tin đã có 10 tháng vận hành thử nghiệm, kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.
Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống.
Bên cạnh việc quản lý truy xuất nguồn gốc, cổng thông tin cũng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm. Đồng thời, Bộ cũng vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN gồm 5 chương, 14 điều, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện công bố thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều phải thông qua Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia để kết nối thành phần, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt các thông tin hữu ích. |
Trần Ngân