Văn hóa và sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi" theo tư tưởng Hồ Chí Minh

19/05/2024 - 23:13
(Bankviet.com) Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” dẫn dắt sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của quốc gia, dân tộc.
Hội thảo Văn hóa 2024 - Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao Gỡ “nút thắt” để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển Học giả quốc tế: Khơi dậy sức mạnh nội sinh trường tồn của dân tộc Việt Nam

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Báo Công Thương về lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hóa và sứ mệnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội. Ảnh: TTXVN

Quan điểm về văn hóa trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh hàm chứa những giá trị to lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Ông có thể nêu những quan điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của văn hoá?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết nội hàm khái niệm văn hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất Người đã đưa luận điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin.

Ngoài ra, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng Báo Cứu quốc, số ra ngày 5/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" thâu tóm một cách đầy đủ và sâu sắc bản chất xã hội của văn học, nghệ thuật, đồng thời chỉ ra chỗ đứng mới của nghệ sĩ cách mạng trong thời đại kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người cũng nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu rõ vai trò của văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Đặc biệt, Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”.

Đồng thời, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Người chỉ ra rằng: Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”. Quan điểm của Người chỉ rõ kinh tế chính là cơ sở của văn hóa; do đó, kinh tế phải đi trước một bước, phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hóa.

Thực hiện tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hoá, ông đánh giá gì về nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua?

Sứ mệnh của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” theo lời chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khẳng định trong các giai đoạn kháng chiến chống thực dân, đế quốc và một lần nữa, sứ mệnh đó lại được đặt ra cho văn hóa nước nhà, trước những thời cơ, thách thức rất lớn.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” - lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng một lần nữa trao nhiệm vụ to lớn cho ngành văn hóa. Bởi thế, chúng ta càng thấy vai trò của văn hóa hết sức nổi bật, càng cảm thấy có trách nhiệm lớn hơn để gánh vác sứ mệnh “soi đường”.

Thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông. Nhiều chủ trương lớn ngành tham mưu, được Chính phủ thông qua, như: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.

Đáng chú ý, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đầu tư cho văn hóa ở các địa phương trong năm 2023 đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lần đầu tiên được Quốc hội phê duyệt 1,8% và đang hướng đến mục tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 tỷ đồng để 17 tỉnh/thành phố triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hoá sâu rộng hiện nay, theo ông chúng ta cần có các giải pháp nhằm xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, mang bản sắc dân tộc?

Nghị quyết Đại hội XIII xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thành nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 về phát triển văn hóa, con người là "sức mạnh mềm" của dân tộc… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, văn hóa có vai trò, vị trí và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường cùng với quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hoá sâu rộng, sự bùng nổ nhanh chóng của các phương tiện truyền thông khiến sự nghiệp phát triển văn hoá Việt Nam đứng trước các nguy cơ, thách thức mới.

Trước bối cảnh ấy, để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" “văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...” các văn nghệ sĩ càng cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ cũng cần đi sâu hơn vào các lĩnh vực đa dạng của xã hội để có nhiều tác phẩm hay ở mọi lĩnh vực, thể hiện rõ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc, những giá trị ngang tầm thời đại Hồ Chí Minh, những tác phẩm mang tầm thế giới…

Để các văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng của mình thì chúng ta cần thực hiện giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng của công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để những mầm ươm, tài năng nghệ thuật có điều kiện phát triển.

Đồng thời, cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật nhằm thúc đẩy sự chủ động sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, chúng ta cần các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo ra môi trường phù hợp hơn để các văn nghệ sĩ có thể dùng tài năng của mình sáng tạo ra những tác phẩm xuất sắc, có giá trị, xứng tầm với thời đại Hồ Chí Minh…

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương