Giá vàng lập đỉnh, giá bạc cũng 'nhảy múa' không ngừng Giá vàng lập đỉnh mới, lời khuyên nào cho nhà đầu tư? Vàng nhái thương hiệu ‘tung hoành’ khi giá vàng lập đỉnh |
Giá vàng thế giới liên tục phá vỡ các mốc kỷ lục, trong khi thị trường trong nước cũng “nóng” với các phiên tăng không phanh, đẩy giá vàng miếng SJC lên ngưỡng hơn 100 triệu đồng/lượng.
Giới đầu tư hoang mang, người có vàng đắn đo chốt lời, người chưa mua thì thấp thỏm sợ lỡ nhịp. Trong cơn sốt vàng đang bùng lên dữ dội, câu hỏi “nóng” bỏng hơn bao giờ hết là: Nên mua vàng lúc này hay tiếp tục chờ?
Theo các phân tích từ giới chuyên gia quốc tế, đà tăng của vàng chủ yếu được hỗ trợ bởi ba động lực lớn là căng thẳng địa chính trị toàn cầu, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2025 và lực mua kỷ lục từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, vàng lại được xem như “nơi trú ẩn” an toàn, một tài sản bảo toàn giá trị trước cơn bão tài chính.
Vàng - tài sản trú ẩn an toàn?
Không thể phủ nhận, vàng đang phát huy vai trò “tài sản trú ẩn an toàn” truyền thống. Khi bất ổn địa chính trị bùng phát (Nga-Ukraine, Israel-Hamas) hay nguy cơ suy thoái kinh tế rình rập ở một số nước, dòng tiền lập tức chảy về vàng.
![]() |
Giá vàng chạm đỉnh, nhiều người đổ xô mua. Nhưng liệu đây có phải là thời điểm thích hợp? Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặt bằng giá hiện tại không chỉ được thúc đẩy bởi yếu tố cơ bản mà còn bởi tâm lý đám đông và kỳ vọng quá mức. Các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt tại châu Á, đang đổ xô mua vàng như một “phản ứng phòng vệ”, khiến giá bị đẩy cao phi lý. Lịch sử cho thấy, mỗi lần vàng vượt đỉnh quá nhanh đều để lại những nhịp điều chỉnh mạnh, điển hình là giai đoạn 2011 hay 2020.
Đầu cơ hay đầu tư dài hạn?
Với nhà đầu tư cá nhân, việc lao vào mua vàng thời điểm này cần được cân nhắc kỹ. Nếu mục tiêu là giữ tài sản, bảo toàn giá trị, vàng vẫn là lựa chọn an toàn trong trung và dài hạn.
Nhưng nếu kỳ vọng lướt sóng kiếm lời, rủi ro là rất lớn. Biên độ biến động giá vàng hiện nay lên tới vài trăm ngàn đồng mỗi ngày có thể “thổi bay” lợi nhuận trong chớp mắt nếu thị trường đảo chiều.
Hơn nữa, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang “vênh”. Điều này khiến việc mua vàng tại thời điểm này tiềm ẩn rủi ro.
Không chạy theo đám đông
Theo giới chuyên gia, nhiều người thấy giá vàng tăng mạnh thì sợ “mất cơ hội”, vội vã mua vào mà không phân tích kỹ. Đây là thời điểm “bẫy cảm xúc” hoạt động mạnh nhất, dễ khiến nhà đầu tư mua đúng đỉnh.
Ngoài ra, biến động giá vàng hàng ngày có thể lên đến vài trăm ngàn đồng/lượng, nhưng chênh lệch mua - bán cũng rất cao (thậm chí 1-2 triệu đồng). Nếu mua - bán trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể mất phí giao dịch và mất biên lợi nhuận, chưa kể rủi ro đảo chiều rất nhanh.
Người mua cần xác định rõ mục tiêu - giữ tài sản hay kiếm lời? Nếu muốn giữ tài sản trong dài hạn, nên chia nhỏ vốn, mua tích lũy từng phần, không "dốc hết vốn" một lúc. Nếu muốn lướt sóng kiếm lời, hãy cân nhắc kỹ vì thị trường hiện đã “quá nóng”, sóng điều chỉnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Lúc 8h55 hôm nay (ngày 12/4, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 3.236 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6/2025 trên sàn Comex New York ở mức 3.244,6 USD/ounce. Sáng 12/4, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 102,1 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. |