VASB tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán

09/05/2024 - 22:53
(Bankviet.com) Trong phiên sáng của Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán, đại diện Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) và Công ty TNHH Kiểm toán &Tư vấn RSM Việt Nam - chi nhánh Hà Nội đã có những chia sẻ cũng như giới thiệu dự án thí điểm ESG Score do VASB khởi xướng ý tưởng.

Ngày 9/5/2024, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra Hội thảo Phát triển bền vững, công bố thông tin về ESG của công ty chứng khoán và những điểm mới trong chính sách thuế cũng như các vấn đề liên quan đến công ty chứng khoán. Đây là sự kiện do Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Công ty Chứng khoán KB phối hợp cùng Công ty TNHH Kiểm toán &Tư vấn RSM Việt Nam - chi nhánh Hà Nội và Công ty TNHH Tư nhân Công nghệ Seneca (Seneca ESG) tổ chức.

Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý có sự hiện diện của bà Hồ Thị Phương Tú - Phó Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); về phía khách mời, có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Hà - PGSTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tái tạo trường Đại học Ngoại thương, bà Chu Thị Lan Phương - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán &Tư vấn RSM Việt Nam - chi nhánh Hà Nội; về phía Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), có sự hiện diện của bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Cùng với đó là sự góp mặt của các chuyên gia, đông đảo đại diện doanh nghiệp và đại diện các bên hữu quan chung mối quan tâm thúc đẩy ESG tại Việt Nam.

VASB tổ chức hội thảo: "Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán" (còn tiếp)
Bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khởi động dự án “ESG Score - Giai đoạn thí điểm cho các Công ty Chứng khoán”, bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB cho biết, ESG Score là dự án được VASB khởi xướng ý tưởng và triển khai. Mục đích của ESG Score nhằm xây dựng nên chỉ số về ESG cho các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, hiểu được tầm quan trọng của ESG trong định hướng dài hạn.

Bà Hải Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định đây là một dự án dài hạn và sẽ phát triển song song với phát triển nhận thức cũng như các điều kiện về kỹ thuật của Việt Nam trong các ngành nghề”. Dự án sẽ được đưa tới từng ngành nghề và sẽ nâng cao chất lượng dự án bằng hoạt động hợp tác với nhiều Hiệp hội khác nhau để đưa ra phương án tính toán một cách hợp lý nhất cho từng ngành nghề.

“Để thí điểm cho dự án ESG Score, VASB lựa chọn nhóm ngành chứng khoán, cụ thể hơn là các Công ty Chứng khoán thành viên của VASB. Về lý do lựa nhóm này, thứ nhất, đây đều là các đơn vị hoạt động tại Hiệp hội. Thứ hai, tính toán ESG trong mảng Chứng khoán được đánh giá là đơn giản hơn, cụ thể là mảng phác thải nhà kính. Thứ ba, Hiệp hội mong muốn các đơn vị chứng khoán tiên phong trong việc hiểu rõ cách tính toán ESG từ đó các thành viên có thể tư vẫn, môi giới cho tệp khách hàng là doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, VASB sẵn sàng đồng hành cùng các Công ty chứng khoán nếu khách hàng của các đơn vị có nhu cầu sử dụng ESG Score”, bà Hải Anh chia sẻ thêm.

VASB tổ chức hội thảo: "Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán" (còn tiếp)
Toàn cảnh buổi Hội thảo "Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán"

Giới thiệu sơ lược về ESG

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Chu Thị Lan Phương - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho hay, "ESG không còn là vấn đề mới nhưng còn rất mới”. Lý giải cho lời mở đầu có phần “mâu thuẫn”, bà Phương trình bày: “ESG thực sự còn mới bởi chúng ta quá lúng túng trong biển mênh mông ESG trên toàn cầu. Vì vậy, đến với hội thảo hôm nay, tôi xin phép giới thiệu rõ nét hơn về ESG thông qua các đặc điểm có phần tương đồng với dự án ESG Score do bà Hoàng Hải Anh vừa giới thiệu”. Nội dung trình bày của bà Phương gồm 5 phần: (1) Giới thiệu sơ lược về ESG; (2) Phương pháp tiếp cận trong việc tư vẫn và trình tự hỗ trợ lập báo cáo; (3) Giới thiệu về dự án chấm điểm ESG; (4) Các giai đoạn của chám điểm dự án ESG và (5) Phương pháp thực hiện.

VASB tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán
Bà Chu Thị Lan Phương - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam chi nhánh Hà Nội

Trong ESG, đặc biệt là nhóm ngành Chứng khoán, bà Phương lưu tâm nhất đến vấn đề quản trị: “Tại các doanh nghiệp chứng khoán, quan trọng nhất là quản trị bởi vì tự thân các công ty đang kinh doanh tài chính mà rõ ràng nhóm ngành tài chính sở hữu rất nhiều dữ liệu cũng như bảo mật điều đó phát sinh ra nhiều rủi ro khác nhau, từ nhỏ đến bé. Vì vậy, nắm giữ cho mình khả năng quản trị doanh nghiệp tốt sẽ là yếu tố cốt lõi giúp tổ chức phát triển trong dài hạn”.

VASB tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán
Định nghĩa ESG và các vấn đề nổi bật

Bên cạnh đó, bà Phương còn khẳng định phát triển ESG sẽ đóng góp tích cực đối phó với biến đổi khí hậu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Bước tiếp theo sau cam kết Net Zero tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định tôn chỉ "nói là làm, cam kết là thực hiện" tại COP28. Điều này thể hiện qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế xanh và tuần hoàn, nhằm giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường.

Khi các doanh nghiệp thay đổi theo hướng ESG, chắc chắn sẽ vướng mắc nhiều áp lực. Minh chứng rõ nhất cho quan điểm này là 3 thách thức: Rào cản kỹ thuật gia nhập thị trường lớn; Hàng hóa đắt đỏ hơn, giảm tính cạnh tranh và Áp lực từ các doanh nghiệp đầu chuỗi. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội không chỉ dành cho các công ty chứng khoán mà toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất khác có động lực tối ưu hóa chi phí, quản trị rủi ro, nâng cao hiểu biết pháp lý và tăng cao nhận diện thương hiệu xanh.

“Rõ ràng khi chúng ta thực hiện ESG, mọi chi phí trong doanh nghiệp sẽ được tối ưu hóa. Lấy ví dụ điển hình, trong quá khứ, các công ty đang sản xuất theo định hướng tuyến tính, sử dụng từ tài nguyên tới rác phế thải. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại, chúng ta có thể phát triển sản xuất, theo một vòng tuần hoàn, tới rác cũng được tận dụng triệt để nhằm tối ưu hóa mọi chi phí, gia tăng lợi nhuận”, bà Phương nhấn mạnh.

VASB tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán
Động lực phát triển thông qua ESG của doanh nghiệp Việt Nam

Phương pháp tiếp cận trong việc tư vấn và trình tự hỗ trợ lập báo cáo

Theo phần trình bày của bà Phương, đối với các doanh nghiệp chưa triển khai ESG, chúng ta có 8 bước tiếp cận theo từng giai đoạn tùy thuộc theo nhu cầu của doanh nghiệp bao gồm: 1. Xác định các hoạt động kinh doanh chính, chuỗi giá trị, tác động phát sinh và xây dựng chiến lược ESG mà cụ thể hóa về tầm nhìn và tham vọng; 2. Triển khai các hoạt động gắn kết với các bên có lợi ích liên quan và xác định các lĩnh vực cần quan tâm; 3. Thu thập thông tin của năm gốc (baseline); 4. Thảo luận với các bên có lợi ích liên quan chính để xác định tầm nhìn và mục tiêu ESG; 5. Xem xét bối cảnh để xác định các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp, các ưu tiên và hoàn thiện chiến lược và mục tiêu cụ thể kèm lộ trình triển khai; 6. Xác định các khuôn khổ tuân thủ/ tham chiếu/ điểm chuẩn (benchmark) phù hợp thực tiễn; Lồng ghép kế hoạch bền vững vào kế hoạch quản trị và kinh doanh; 7. Xây dựng và triển khai các chương trình, giải pháp, sáng kiến và thực thi; 8. Báo cáo và truyền thông theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt.

Mặc dù chỉ có 8 bước tiếp cận dành cho doanh nghiệp chưa triển khai ESG, nhưng theo bà Phương “Nhìn sơ qua 8 bước có vẻ là đơn giản nhưng đây chính là thách thức cũng như một khối lượng công việc khổng lồ mà doanh nghiệp chưa từng tiếp cận ESG cần phải xử lý”.

Đối với những doanh nghiệp đã triển khai ESG, theo bà Phương: Chúng ta cần xem lại, kiểm tra lại và cải thiện, giải quyết vấn đề còn hiện hữu hoặc sẽ có thể phát sinh trong tương lai, cụ thể được trình bày qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1. Rà soát và đánh giá thực trạng thông qua các cuộc phỏng vấn, nghiên cứu thông tin tài liệu có sẵn; Giai đoạn 2. Phân tích khoảng cách, thống nhất các phương diện cần cải tiến / bổ sung và lộ trình triển khai và Giai đoạn 3. Hỗ trợ triển khai khuyến nghị tư vấn và đánh giá sau triển khai qua đó doanh nghiệp có thể tạo báo cáo đánh giá hiện trạng; kiểm tra danh mục các phương diện cần cải tiến /bổ sung kèm lộ trình cụ thể từ đó có thể tạo nên báo cáo đánh giá hiệu quả triển khai. Bên cạnh đó, để có thể hỗ trợ lập báo cáo ESG, đại diện RSM còn giới thiệu qua 12 bước trình tự hỗ trợ lập báo cáo.

VASB tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững và Công bố thông tin về ESG của Công ty Chứng khoán
12 trình tự hỗ trợ lập báo cáo

Bốn trụ cột chấm điểm ESG

Theo quan điểm của bà Phương: Đối với cụm từ Phát triển bền vững hay ESG, nhìn từ ngoài vào trong chúng ta dễ nhận thấy từ E trong Environment (Môi trường) rồi đến S trong Social (Xã hội) và cuối cùng là G trong Governance (Quản trị). Tuy nhiên, dưới góc nhìn của RSM, chúng tôi sẽ đi từ vấn đề cốt lõi là G, đặc biệt đối với các công ty chứng khoán, khi đây là chìa khóa giúp các doanh nghiệp đi đường dài. Từ đó, 4 trụ cột chấm điểm ESG của RSM được ra đời với yếu tố đầu tiên cũng là yếu tố quan trọng nhất: Quản trị.

Trong trụ cột Quản trị, bà Phương đánh giá cao doanh nghiệp khi họ thực hiện tốt được 7 chủ đề chính: Thành phần trong hội đồng quản trị; Sự đa dạng về giới tính trong cơ cấu quản lý; Hành vi đạo đức; Tuân thủ; Kinh tế; Thuế và Trình bày báo cáo. Bên cạnh trụ cột Quản trị, phía RSM còn đánh giá ESG của doanh nghiệp thông qua Môi trường; Xã hội và Cách công ty trình bày báo cáo. Kết thúc bài trình bày, bà Phương cũng chia sẻ thêm về Các dạng điểm ESG bao gồm: Điểm logic, Điểm dữ liệu và Điểm phân cấp theo từng khoảng.

Cuối cùng, Hội thảo khép lại với sự trao đổi sôi nổi, tích cực từ phía các chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp, mở ra thông điệp về tinh thần sẵn sàng đưa nâng cao hiệu quả thực hành ESG để tạo ra những giá trị thực chất.

VASB tổ chức chương trình Tập huấn An toàn thông tin và Tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân

Buổi tập huấn được VASB cùng VNDS phối hợp tổ chức đã thu hút nhiều học viên đến từ các đơn vị thành viên, doanh ...

VASB tổng kết hoạt động 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024: Góp sức giải quyết những vấn đề “nóng” của TTCK

Chiều nay, ngày 29/3/2024, tại trụ sở Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã tổ ...

Đức Lương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán