Theo đó, ngân hàng sẽ tích cực xử lý rủi ro nợ xấu trong quý cuối cùng, tương tự như trong giai đoạn trước. Tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng 1,4% của quý IV/2021 sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong giai đoạn tái mở cửa của một số khách hàng lớn bị phân loại thành nợ xấu trong quý III.
Các chuyên gia cho rằng có thể có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu cũng như tốc độ hình thành nợ cơ cấu. Đồng thời nợ nhóm 2 đang tăng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ nợ xấu.
Bên cạnh đó, khoảng cách lớn giữa tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ sớm được thu hẹp vào cuối năm nhờ việc giảm trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC.
Song, áp lực trích lập dự phòng vẫn tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, với mức độ phụ thuộc vào xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Báo cáo cho biết sẽ có nhiều khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể trong hai quý tới từ các khách hàng có dư nợ lớn đã được phân loại lại từ nhóm 1 thành nhóm 3 và nhóm 4 trong quý III/2021 vừa qua.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng 2021 của VietinBank dự kiến ở mức 9,4%, đạt mức trần tăng trưởng tín dụng hiện tại (9,5%) mặc dù gần đây ngân hàng đã nộp đơn xin NHNN hạn mức tăng trưởng tín dụng trên 12%. Tỷ lệ chi phí tín dụng giai đoạn 2021 - 2022 dự báo lần lượt là 1,6% và 1,4%.
Trong quý III, nhóm phân tích cho biết chất lượng tài sản của VietinBank chịu tác động mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,7% từ 1,3% của quý II/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 0,5%.
Dư nợ được cơ cấu tăng từ 4.200 tỷ đồng trong quý II lên 7.800 tỷ đồng trong quý III năm 2021. Tổng dư nợ của các khách hàng được cơ cấu tăng từ hơn 49.000 tỷ đồng lên 69.500 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng quý III tăng lên 6,3% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động là 8,3% so với đầu năm.
Nguồn: VDSC, VietinBank
Theo VDSC, lợi nhuận trước thuế của VietinBank giai đoạn năm 2021 và năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 20.500 tỷ đồng và 23.800 tỷ đồng, tương đương tăng 20% và 16% so với cùng kỳ.
"Điều này đồng nghĩa tăng trưởng lợi nhuận gần như đi ngang trong quý IV/2021. Chúng tôi nhận thấy nhiều bất ngờ có thể xảy ra đến từ việc ghi nhận khoản phí trả trước và hoàn nhập dự phòng," báo cáo viết.
Nhóm phân tích cho biết sự biến động trong lợi nhuận đến từ độ nhạy với chi phí tín dụng biên. Điều này có thể dẫn đến chiết khấu lớn đối với hệ số định giá tùy thuộc vào chu kỳ kinh doanh.
Thu nhập lãi thuần năm 2021 của ngân hàng dự báo đạt 41.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Thu nhập phí thuần giai đoạn 2021 - 2022 dự kiến giảm 4% mỗi năm do tác động lên các nguồn thu nhập trong quý III/2021.
VDSC kỳ vọng lợi nhuận mảng bảo lãnh và thanh toán sẽ phục hồi trong quý cuối cùng khi hoạt động thương mại và tiêu dùng phục hồi trở lại.
Nguồn: VDSC, VietinBank
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam