VDSC: Tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định trở lại, kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2023

29/12/2022 - 21:05
(Bankviet.com) Nhìn lại diễn biến thanh khoản hệ thống ngân hàng năm 2022 có thể thấy xu hướng chung là khó khăn. Tuy nhiên, với một số yếu tố hỗ trợ, thanh khoản hệ thống được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2023

Từ đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang hút ròng trên thị trường mở với quy mô khoảng 75.500 tỷ đồng, đảo ngược xu hướng bơm ròng gần 72.000 tỷ đồng trong tháng 10 và 11.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), việc rút ròng mạnh diễn ra vào tuần gần cuối năm khi thanh khoản hệ thống cho thấy sự cải thiện và đặc biệt là lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN được sử dụng với tần suất nhiều hơn từ 20/12 với quy mô hút ròng mỗi phiên là 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều bơm tiền vẫn có tín hiệu đáng chú ý từ nhà điều hành, thể hiện qua việc NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các bên có nhu cầu với kỳ hạn lên đến 91 ngày, là hiện tượng hiếm có từ trước đến nay. Tính đến ngày 26/12, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt là 55.487 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có nhịp giảm dài hơi hơn trong tháng 12. Lãi suất cho vay qua đêm bình quân tháng 12 là 4,98%/năm, thấp hơn 63 điểm cơ bản so với tháng 11. Nếu xét tại thời điểm cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm 1,83 điểm % so với cuối tháng 11, lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 1-6 tháng cũng giảm từ 48-159 điểm cơ bản. Nhìn chung, về tổng thể, tình hình thanh khoản hệ thống đã có bước ổn định trở lại, tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng cần sự hỗ trợ của NHNN trong thời gian tới.

Nhìn lại diễn biến thanh khoản hệ thống ngân hàng năm 2022 có thể thấy xu hướng chung là khó khăn. Thứ nhất là do NHNN bán ngoại tệ với mức cao kỷ lục (khoảng 22 tỷ USD) khiến một lượng tiền đồng bị rút khỏi hệ thống. Thứ hai, từ tháng 6-9/2022, NHNN tái sử dụng kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở với xu hướng chủ đạo là rút ròng để đối phó với áp lực tỷ giá, sau đó mới chuyển sang bơm ròng mạnh bắt đầu tháng 10/2022 gắn với các sự kiện trên thị trường.

"Hiện tại, việc cho vay cầm cố với kỳ hạn dài hơn là chỉ báo cho thấy NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trước áp lực đáo hạn trái phiếu và cuộc đua cạnh tranh lãi suất vẫn còn căng thẳng", chuyên gia của VDSC lưu ý.

Ngoài ra, việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gần đây kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất trần lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm đang tạm ghìm đà tăng của lãi suất huy động.

Năm 2023, VDSC kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ thanh khoản của hệ thống gồm: với áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời là cũng một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng; tín dụng tăng chậm hơn, huy động vốn tích cực hơn; tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện và định hướng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản từ nhà điều hành; áp lực trái phiếu đáo hạn cho năm 2023 vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ các thành viên thị trường so với năm 2022.

Về tăng trưởng tín dụng, VDSC ước tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ đạt 11-12% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng chậm lại ở lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng và nhu cầu vay vốn ở lĩnh vực ưu tiên vẫn còn lớn với sự giúp sức của gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ