Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mất điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022. Mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trở nên nhạy cảm trong tuần qua khi chỉ số VN-Index có 3 phiên đầu tuần xuyên thủng mốc này, dù có sự hồi phục trở lại sau đó. Điều này cho thấy bên bán có phần chiếm ưu thế và đã chủ động hơn so với mua.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.007,09 điểm, giảm 13,25 điểm (-1,3%) và ghi nhận tuần mất điểm thứ 2 liên tiếp. Đây cũng là điểm số kết thúc năm 2022 của chỉ số VN-Index, với mức giảm 3,94% trong tháng 12 và 32,8% từ đầu năm. Nhà đầu tư nối tiếp thu hẹp giao dịch từ 2 phiên cuối tuần trước trong bối cảnh thị trường lưỡng lự xu hướng và các kỳ nghỉ lớn đang đến gần. Thanh khoản sụt giảm trên diện rộng, ở tất cả các nhóm ngành.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 9.171 tỷ đồng, giảm 34,4% so với tuần trước đó và hụt 38,2% so với trung bình 5 tuần gần đây. Liên tiếp những phiên giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng, cho thấy sự co cụm phòng thủ của dòng tiền thời điểm cuối năm.
Chia sẻ về dòng tiền trong chương trình “Bí mật đồng tiền”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, thanh khoản vào cuối năm lúc nào cũng khó hơn. Tuy nhiên, sau những tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ thanh khoản từ nay đến Tết, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã ổn.
“Có những thời điểm, ở tuần trước, tôi còn thấy những động thái hút tiền về (của Ngân hàng Nhà nước) vì thanh khoản trên hệ thống khá tốt, mức lãi suất qua đêm giảm, xuống còn khoảng 3,5%, là thấp so với thời điểm trước”, ông Hưng cho hay.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Hưng cho biết, nhiều dự báo trước đó cho rằng, sẽ tăng rất mạnh ở những tuần cuối năm, nhưng điều đó đã không xảy ra. Theo số liệu công bố ngày 26/12 của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chưa đến 13% so với mục tiêu 16% (sau khi nới room tín dụng). Do vậy, theo ông Hưng, vấn đề thanh khoản chung cho hệ thống hay toàn nền kinh tế không phải vấn đề lớn.
Còn đối với thị trường chứng khoán, theo ông Hưng, thanh khoản hiện khá là thấp so với thời điểm trước. Mặc dù trước đó, khi thị trường hồi phục đã cho thấy thanh khoản có dấu hiệu hồi phục, nhưng do vào thời điểm cuối năm, các công ty chứng khoán và ngân hàng phải đưa các tỷ lệ về an toàn, nên khó để kỳ vọng sẽ có một thanh khoản tốt vào giai đoạn này.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thương cho rằng, vấn đề lớn nhất vào cuối năm là tiền, động cơ lớn nhất trên thị trường chứng khoán là làm sao để có tiền, các nhà đầu tư sẽ có động thái chốt lợi nhuận hoặc tham gia vào thị trường để có lợi nhuận cho năm mới.
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc cần tiền để trả lương thưởng, còn cần tiền cho hàng tồn kho để bán cho năm tiếp theo hoặc là cần tiền để nhập nguyên liệu đầu. Ở đây, sẽ có một vấn đề, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều cùng nằm trong thị trường, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng cung tiền là thấp nhất trong lịch sử. Nghĩa là chúng ta không có cung tiền vào, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn lên thị trường.
“Có thể hình dung nhà đầu tư như những chú cá trong bể nước, mà cá cần nhiều nước để bơi. Khi có càng nhiều nước, cá có thể tự mình quẫy đạp để tạo ra những con sóng. Với thị trường chứng khoán, cung tiền không có và nhà đầu tư chưa nhìn thấy nhiều tín hiệu cho điều này.”
Chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư phải thật cẩn trọng với các quyết định gia nhập hay rút khỏi thị trường tại thời điểm cuối năm bởi tâm lý đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến giao dịch. Thị trường giao dịch lình xình thời gian gần đây là hoàn toàn có thể nhận biết.
Theo giới chuyên gia mặc dù nền kinh tế năm 2023 không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ấn tượng như năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán lại có thể hồi phục bởi nguồn tiền đẩy vào thị trường sẽ tốt hơn khi nhiều yếu tố được hỗ trợ.
Một số yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong năm tới, điển hình như chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng đi kèm Nghị định được ban hành, sửa đổi giúp tháo gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều quan điểm cho rằng Ngân hàng nhà nước sẽ quay trở lại mua ngoại tệ để cung ứng lượng tiền mặt ra lưu thông…
Quỳnh Nga