Hợp tác trong thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Những thay đổi trong ngành nghề đào tạo của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội |
Khi Việt Nam chính thức bước vào cuộc chơi toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn - ngành vốn được ví như “xương sống” của nền kinh tế số thì làn sóng đầu tư giáo dục cho lĩnh vực này cũng lập tức bùng nổ.
Theo đó, chưa bao giờ, ngành công nghệ vi mạch - bán dẫn lại được gọi tên dồn dập đến vậy trong các báo cáo chiến lược của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Cùng với đó, các chương trình hợp tác đào tạo kỹ sư chip, kỹ sư bán dẫn với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng liên tục được ký kết và câu chuyện “chuyển động” từ hệ thống giáo dục cũng không kém cạnh.
Chỉ trong một năm, hàng loạt trường đại học, từ công lập danh giá như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Sư phạm Hà Nội, đến các trường tư thục như: Phenikaa, Quốc tế Sài Gòn… đều rầm rộ mở ngành thiết kế vi mạch, công nghệ chip, vật lý bán dẫn. Kèm theo đó là học phí dao động từ 10 triệu - 80 triệu đồng/năm học, chưa kể chi phí sinh hoạt, học liệu, học phần thực hành bằng tiếng Anh...
Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 ngành, chuyên ngành đào tạo trực tiếp và các ngành đào tạo gần về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông và ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano được Đại học Bách khoa Hà Nội mở mới từ năm 2023.
Hiện các ngành này được nhà trường áp dụng mức học phí từ 24 - 30 triệu đồng/năm học, áp dụng với sinh viên đại học chính quy nhập học năm 2024 (K69) và học chương trình chuẩn.
Nhà trường lưu ý, các mức học phí trên có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 10% mỗi năm.
![]() |
Hàng loạt trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch, công nghệ chip, vật lý bán dẫn. Ảnh: USTH |
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng mở đào tạo chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch, thuộc ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông. Học phí ngành này của trường là 28,7 triệu/năm học. Lộ trình tăng học phí được trường áp dụng theo quy định của Nhà nước.
Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch ở chương trình tiêu chuẩn. Trong năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành này ở chương trình dạy và học bằng tiếng Anh với 40 chỉ tiêu.
Nếu theo học chương trình tiêu chuẩn, học phí năm 2025 - 2026 của ngành này dự kiến là 30 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, học phí chương trình dạy và học bằng tiếng Anh là 80 triệu đồng.
Năm 2025, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến tuyển 750 sinh viên, mở mới ba ngành học, trong đó có công nghệ chip bán dẫn.
Đại diện trường cho biết các ngành này nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nền kinh tế số. Như với ngành bán dẫn, Chính phủ đang đặt ưu tiên phát triển, coi đây như lĩnh vực trọng điểm nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Học phí cho ngành chip bán dẫn là 58.000.000 đồng/năm, thu theo học kỳ, mỗi năm có hai kỳ.
Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở thêm 5 ngành mới gồm: Công nghệ sinh học; vật lý học (vật lý bán dẫn và kỹ thuật); lịch sử; xã hội học; tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trong đó, ngành vật lý học (vật lý bán dẫn và kỹ thuật) nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh.
Về học phí năm học tới, trường chưa công bố chính thức. Song theo những năm học trước, mức thu của trường ở mức trên dưới 10 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Phenikaa đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông với mức học phí 46,2 triệu/năm học.
Đại học Quốc tế Sài Gòn tuyển sinh 50 chỉ tiêu ngành thiết kế vi mạch cho năm học 2025. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ lớp 12, điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hoặc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại học Quốc tế Sài Gòn chưa công bố học phí năm 2025 - 2026. Nhưng ở năm học trước, học phí ngành thiết kế vi mạch ở trường này gần 30 triệu đồng/học kỳ.
Dưới đây là học phí ngành bán dẫn của một số trường đại học:
STT | Trường | Ngành | Học phí |
1 | Đại học Cần Thơ | Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn) | 22,7 triệu đồng/năm |
2 | Đại học Quốc tế Sài Gòn | Thiết kế vi mạch | 30 triệu đồng/năm |
3 | Đại học Bách khoa Hà Nội | Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano | 22-28 triệu đồng/năm |
4 | Đại học Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia TP.HCM) | Thiết kế vi mạch | 35 triệu đồng/năm |
5 | Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) | Công nghệ kỹ thuật máy tính (chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn) | 16,4 triệu đồng/năm |
6 | Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) | - Công nghệ bán dẫn - Thiết kế vi mạch | 34,2 đến 35,5 triệu đồng/năm |
7 | Đại học Phenikaa | Kỹ thuật điện tử Viễn thông (chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn) | 46,2 triệu đồng/năm |
8 | Đại học CMC | Công nghệ Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn) | 54-78 triệu đồng/năm |
9 | Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) | Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế Vi mạch) | 28,7 triệu đồng/năm |
10 | Đại học Sư phạm Hà Nội | Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật) | 10 triệu đồng/năm |
11 | Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) | Thiết kế vi mạch | 30 - 80 triệu đồng/năm |
12 | Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) | Công nghệ Chip bán dẫn - ESCT (dự kiến) | 58.000.000 đồng/năm, thu theo học kỳ, mỗi năm có hai kỳ |