Thông tin về việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được "hưởng" tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ bằng một nửa so với quy định chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giới đầu tư chứng khoán truyền tai nhau với kỳ vọng đây là tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo.
Tuy nhiên, ít người biết rằng đây lại chỉ là một công việc định kỳ của nhà băng này mỗi năm hai lần phải báo cáo lên NHNN.
Cụ thể, theo Thông tư số 14/2018 của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp như tái cấp vốn, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND thấp hơn mức quy định chung.
Theo đó, đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của TCTD nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định chung với các TCTD cùng loại hình.
Đối với TCTD có tỷ lệ này từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định.
Ở đây Agribank là ngân hàng 100% vốn của nhà nước, với dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng, ngân hàng sẽ được áp dụng các mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, theo đề xuất của mình lên NHNN.
Các tỷ lệ này được áp dụng trong thời gian 6 tháng (từ tháng 2 đến hết tháng 7 và từ tháng 8 đến hết tháng 1 năm sau) và NHNN sẽ xem xét thông báo mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng trước ngày 1/2 và ngày 1/8 hàng năm.
Do đó việc Agribank được chấp nhận mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn so với các TCTD khác được đề cập ở trên là một thông lệ có sẵn hàng năm của ngân hàng, không phải là một chính sách mới của NHNN.
Các ngân hàng khác có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại NHNN. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng đều phải để dự trữ bắt buộc (DTBB) 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD có thể được giảm trong một số trường hợp.
Theo Thông tư 30 quy định thực hiện DTBB các TCTD hỗ trợ tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỉ lệ DTBB.
Chiếu theo quy định này, trong những năm qua, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc.
Tuy nhiên, các ngân hàng trên có được giảm 50% tỉ lệ DTBB hay không sẽ phải chờ chính sách cụ thể từ NHNN.
Điều 3 Thông tư 30 qui định rõ ba nhóm các TCTD không thực hiện dự trữ bắt buộc.
Một là các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Nhóm đối tượng này hiện có Ngân hàng Đông Á và ba ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng.
Hai là TCTD chưa khai trương hoạt động.
Ba là TCTD được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam