Vì sao cần cập nhật giấy tờ tùy thân hết hiệu lực trước ngày 1/1/2025?

28/12/2024 - 18:12
(Bankviet.com) Nếu chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới thay thế cho giấy tờ tùy thân hết hiệu lực (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thị thực), khách hàng của ngân hàng sẽ bị tạm ngừng giao dịch tại tất cả các kênh (quầy, trực tuyến, ATM).

Luật Căn cước 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, có nội dung từ ngày 1/1/2025 sẽ không còn trường hợp nào được sử dụng chứng minh nhân dân.

Theo đó, Khoản 2, Khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định: Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/ 12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng;

Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, thời hạn cuối được sử dụng chứng minh nhân dân là đến hết ngày 31/12/2024 đối với chứng minh nhân dân còn thời hạn đến sau ngày 31/12/2024. Tức từ ngày 1/1/2025, chứng minh nhân dân sẽ chính thức bị “khai tử”.

Còn theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, tại Khoản 2, Điều 12 quy định Hồ sơ mở tài khoản thanh toán, các tài liệu, thông tin, dữ liệu về giấy tờ tùy thân của khách hàng là cá nhân yêu cầu.

Trường hợp cá nhân là công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước hoặc Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh đối với người dưới 14 tuổi.

Trường hợp cá nhân là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch: Giấy chứng nhận căn cước.

Trường hợp cá nhân là người nước ngoài: Hộ chiếu, đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải có thêm thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh; hoặc Danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02).

Như vậy, từ ngày 1/10/2024, cá nhân là công dân Việt Nam không thể sử dụng hộ chiếu để mở tài khoản ngân hàng và các khách hàng đang dùng hộ chiếu để mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cần tiến hành thay thế bằng giấy tờ tùy thân khác và cập nhật cho ngân hàng.

Những quy định nêu trên đòi hỏi các khách hàng cần cập nhật thông tin căn cước công dân mới trong hồ sơ lưu tại ngân hàng để không bị gián đoạn giao dịch.

Cùng với việc cập nhật thông tin căn cước công dân cũng có những băn khoăn về quy định liên quan đến việc cập nhật xác thực sinh trắc học bắt buộc sau ngày 1/1/2025 để tiếp tục giao dịch, thanh toán qua thẻ ATM.

Trong công văn số 9913/NHNN/TT ngày 3/12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn nội dung về giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử như sau: “Giao dịch thanh toán trực tuyến, rút tiền mặt tại máy giao dịch tự động được coi là giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử (không bao gồm việc sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy giao dịch tự động) và giao dịch tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán không được coi là giao dịch bằng phương tiện điện tử.”

Như vậy, theo quy định, từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng đã cập nhật giấy tờ tuỳ thân mới nhưng chưa cập nhật thông tin sinh trắc học vẫn có thể sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch tại máy POS.

Tuy nhiên, các giao dịch thẻ khác của khách hàng sẽ bị tạm dừng bao gồm: giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ; giao dịch rút tiền bằng mã QR tại máy ATM; các giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử khác.

Bởi vậy, các khách hàng của ngân hàng được khuyến nghị bên cạnh cập nhật thông tin giấy tờ cá nhân cần sớm cập nhật thông tin sinh trắc học để bảo đảm an toàn, bảo mật khi giao dịch ngân hàng và tránh bị gián đoạn giao dịch online sau mốc 1/1/2025.

Song Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ