Vì sao cần có quy chuẩn thiết bị thể dục dụng cụ?

01/04/2025 - 15:50
(Bankviet.com) Việc quản lý chất lượng thiết bị thể dục dụng cụ bằng quy chuẩn sẽ góp phần hạn chế các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, bảo đảm an toàn trong tập luyện.
Bộ Công Thương lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện - hệ thống lưới điện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện có gì mới? Chức năng, nhiệm vụ của Cục Báo chí sau khi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sản phẩm tiềm ẩn rủi ro

Thông tin về việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ (sau đây gọi tắt là quy chuẩn) đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, quy chuẩn này nếu được ban hành sẽ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị thể dục dụng cụ, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận thiết bị thể dục dụng cụ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về lý do xây dựng quy chuẩn, ông Nguyễn Hoàng Anh Phong, Thư ký Ban biên soạn quy chuẩn cho biết, thể dục dụng cụ là một trong những môn thể thao nguy hiểm nhất với tỷ lệ chấn thương rất cao. Trong đó, có những chấn thương đến từ việc các thiết bị thể dục dụng cụ không đảm bảo chất lượng hoặc không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn.

"Thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể bị hỏng, trục trặc hoặc không mang lại sự ổn định cần thiết, dẫn đến té ngã và chấn thương cho người tập. Đồng thời, khiến người tập thể dục gặp khó khăn trong việc phát triển và hoàn thiện kỹ năng của mình. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho người tập, điều quan trọng là các thiết bị thể dục dụng cụ phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn", ông Nguyễn Hoàng Anh Phong cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh Phong, kết quả khảo sát về mức độ rủi ro trong tập luyện môn thể dục dụng cụ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, khả năng xảy ra rủi ro, chấn thương ở các thiết bị thể dục dụng cụ dao động ở mức cao (từ 25-50%). Mức độ chấn thương do các rủi ro liên quan tới thiết bị thậm chí còn lên tới 100% (chấn thương nặng).

Do đó, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp là làm sao để kiểm soát chất lượng, yêu cầu kỹ thuật về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, hạn chế chấn thương do thiết bị thể dục dụng cụ gây ra.

Vì sao cần có quy chuẩn thiết bị thể dục dụng cụ?
Các thiết bị thể dục thể thao thuộc danh mục hàng hoá nhóm 2 (hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý. Ảnh: Giang Lao

Thêm vào đó, vào ngày 10/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có các thiết bị thể dục dụng cụ.

Vì vậy, để thực hiện hiện nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các đối tượng thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 cũng như đáp ứng nhu cầu kiểm soát chất lượng các thiết bị thể dục dụng cụ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cho triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ.

Vì sao phải bắt buộc quản lý bằng quy chuẩn?

Nói về lý do bắt buộc phải quản lý thiết bị thể dục dụng cụ bằng quy chuẩn chứ không phải bằng tiêu chuẩn, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Tú, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia cho hay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mang tính chất bắt buộc áp dụng theo pháp luật còn tiêu chuẩn quốc gia lại là tự nguyện áp dụng (có thể áp dụng hoặc không áp dụng).

Trong khi đó, thiết bị thể dục dụng cụ là sản phẩm có nguy cơ gây nguy hiểm cao nếu chất lượng không đảm bảo, dễ gây chấn thương cho các vận động viên khi tham gia tập luyện. Do đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm này phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mang tính bắt buộc để tăng cường hiệu lực thực thi, gắn với trách nhiệm cao hơn của các đơn vị kinh doanh, sản xuất phân phối thiết bị thể dục dụng cụ.

"Các thiết bị thể dục dụng cụ nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc quản lý thiết bị thể dục dụng cụ bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng thiết bị, từ người mới bắt đầu cho đến các vận động viên chuyên nghiệp", ông Phạm Thanh Tú cho hay.

Cũng theo ông Phạm Thanh Tú, việc xây dựng quy chuẩn cũng góp phần nâng cao chất lượng tập luyện, thi đấu, đảm bảo mọi sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật quốc gia và quốc tế, tạo môi trường thi đấu công bằng và phát triển bền vững ngành thể thao nói chung và thể dục dụng cụ nói riêng.

Vì sao cần có quy chuẩn thiết bị thể dục dụng cụ?
Ông Phùng Nhi Phương, chuyên gia chứng nhận tại Trung tâm chứng nhận sự phù hợp Quacert cho biết, khi quy chuẩn có hiệu lực, các thiết bị thể dục dụng cụ phải được chứng nhận, công bố hợp quy mới được đưa ra thị trường. Ảnh: Tuấn Minh

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Phùng Nhi Phương, chuyên gia chứng nhận tại Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert (Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 là những sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Các sản phẩm này dù ở trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Với việc nằm trong danh mục hàng hoá nhóm 2, thiết bị thể dục dụng cụ buộc phải có quy chuẩn để quản lý và phải được chứng nhận, công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường.

Ngoài ra, sản phẩm còn phải được gắn dấu hợp quy (dấu CR), ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo Ban soạn thảo quy chuẩn, đa số các thiết bị thể dục dụng cụ phân phối trong nước hiện nay đều được nhập từ các nhà sản xuất nước ngoài. Các thiết bị thể dục dụng cụ trong thực tế được chia làm 2 loại gồm: thiết bị phục vụ thể thao thành tích cao và thiết bị phục vụ phong trào tập luyện cho mọi người (như các phòng tập thể dục, công viên, khu vui chơi công cộng).

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương