Vì sao cần thêm nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ “made in Việt Nam”?

19/02/2025 - 19:16
(Bankviet.com) Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển với nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, tạo nên sự cạnh tranh không cân bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại.

Hiện tại, ngoài Bảo Việt Nhân Thọ (thuộc Tập đoàn Bảo Việt), là công ty duy nhất sở hữu 100% vốn nội địa, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn lại đều có vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Việc thúc đẩy sự thành lập và phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ "Made in Vietnam" không chỉ giúp tạo thế cân bằng trong thị trường mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong nước.

Vì sao cần thêm nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ “made in Việt Nam”?
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng chỉ có duy nhất Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp 100% vốn nội địa. Hơn 90% thị phần vẫn do các công ty bảo hiểm nước ngoài chi phối, bao gồm những "ông lớn" như Prudential (Anh), Manulife (Canada), Dai-ichi Life (Nhật Bản), AIA (Hong Kong), Chubb Life (Mỹ)...

Thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu ngành bảo hiểm nhân thọ trong năm 2024 đạt hơn 149 nghìn tỷ đồng. Nhóm 5 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất chiếm tới 76% thị phần, trong đó Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp nội địa duy nhất góp mặt với 23,1% thị phần. Các công ty nước ngoài, nhờ vào lợi thế tài chính, kinh nghiệm quản lý và hệ thống phân phối mạnh, đang chiếm ưu thế vượt trội.

Mô hình bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) cũng là một yếu tố quan trọng giúp các công ty nước ngoài mở rộng nhanh chóng nhờ vào những hợp đồng độc quyền với các ngân hàng trong nước. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh cho họ nhưng cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc gia nhập và phát triển.

Bảo hiểm nhân thọ không chỉ giúp người dân dự phòng rủi ro tài chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và tái đầu tư vào nền kinh tế. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm tái đầu tư vào nền kinh tế hơn 850.075 tỷ đồng, tương đương 7,4% GDP năm 2024. Nếu có thêm nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước, phần lợi nhuận này sẽ được giữ lại và tái đầu tư trong nước thay vì chảy ra nước ngoài qua các công ty mẹ.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ đang trở thành một xu hướng trên thế giới. Hệ sinh thái tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và công ty quản lý tài sản giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, cung cấp giải pháp tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, số lượng ngân hàng trực tiếp sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn còn hạn chế, trong khi đây là mô hình phổ biến của các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có lợi thế hiểu rõ hơn về thói quen tài chính, nhu cầu và tập quán tiêu dùng của người Việt Nam. Điều này giúp họ phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với thị trường trong nước, đồng thời tối ưu chi phí vận hành do không phải chịu các khoản phí quản lý từ công ty mẹ ở nước ngoài.

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi muốn cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài.

Một trong những rào cản lớn nhất là yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi năm 2023. Đây là con số không nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp nội khó tiếp cận để gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, sự thống lĩnh của các công ty nước ngoài đã có chỗ đứng vững chắc trong nhiều năm khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Họ không chỉ có lợi thế về tài chính mà còn sở hữu kinh nghiệm quản lý rủi ro, công nghệ tiên tiến, và mạng lưới đại lý dày đặc.

Ngoài ra, niềm tin của khách hàng vào bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhiều e ngại. Những sự vụ liên quan đến việc chi trả bảo hiểm và xử lý hợp đồng trong thời gian qua khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm.

Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển, nhưng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp so với khu vực. Hiện chỉ 11% dân số Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn so với Thái Lan (14%), Malaysia (17%), Singapore (30%). Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất lớn.

Hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước đang có xu hướng mở rộng hệ sinh thái tài chính bằng cách sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ riêng. Với tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới khách hàng rộng và khả năng ứng dụng công nghệ bảo hiểm (Insurtech), các ngân hàng có thể khai thác tiềm năng này để tối ưu chi phí vận hành và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm tăng trưởng bình quân 10%/năm, với 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2030. Điều này mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nội địa phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài.

Nhìn chung, việc có thêm nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ “Made in Vietnam” không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh trong ngành mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tạo ra những sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với nhu cầu của người dân trong nước. Nếu được đầu tư bài bản và có chiến lược phát triển dài hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa hoàn toàn có thể vươn lên chiếm lĩnh thị phần ngay trên sân nhà.

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng nóng ngay đầu năm 2025

Tại talkshow "Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô", chuyên gia Trần Ngọc Báu nhận định biến động tỷ giá USD/VND ...

Ngân hàng chạy đua lãi suất, đâu là động lực chính?

Trong hơn một tháng qua, xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn chiếm ưu thế so với số ...

Bẫy lừa đảo ngân hàng ngày càng tinh vi, người dùng cần đặc biệt lưu ý những điều này

Các ngân hàng gần đây liên tục phát cảnh báo về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi ...

Nguyễn Đăng (T/h)

Nguyễn Đăng (T/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán