Vì sao ngân hàng “ế” tiền, doanh nghiệp lại “ngại vay”?

05/07/2023 - 05:07
(Bankviet.com) Nói “ế tiền” thì cũng không hẳn, nhưng thực tế đang có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất ngân hàng giảm nhanh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ chuẩn tín dụng, “ném tiền ra vô lối” Các ngân hàng nào đang mạnh tay giảm lãi suất cho vay? Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay

"Nói “ế tiền” thì cũng không hẳn, nhưng thực tế đang có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh" - Là những chia sẻ của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Ông Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5-2%. Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi vay giảm 1-1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn Nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu. Đặc biệt, xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vì sao ngân hàng “ế” tiền, doanh nghiệp lại “ngại vay”?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6

Dù lãi suất đã giảm, song dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%. Trong đó, dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng.

Room (hạn mức) tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay. Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa.

“Nói ‘ế tiền’ thì cũng không hẳn như thế, mà chính là tín dụng đang có tốc độ tăng trưởng chậm. Đúng ra các nước khi lãi suất cao thì tín dụng tăng trưởng âm, còn lãi suất hạ thì tín dụng thông thường phải tăng. Nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh”, ông Tú nói.

Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Tú cho rằng, do tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng mà thấp thì cầu tín dụng không thể cao được.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tồn kho nhiều, khó khăn cho trong đơn hàng ngay cả trong FDI. Đặc biệt, những khó khăn trong xuất khẩu, hay thị trường bất động sản chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.

“Hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Cũng có những doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại không có nhu cầu vay vì nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đang thấp”, ông Tú phân tích.

Vì sao ngân hàng “ế” tiền, doanh nghiệp lại “ngại vay”?
Vì sao ngân hàng “ế” tiền, doanh nghiệp lại “ngại vay”?

Song, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tin tưởng, với hàng loạt các chính sách đồng bộ được triển khai thời gian tới, ngành ngân hàng đang đặt ra yêu cầu mục tiêu quản lý tốt, tập trung hơn nữa lãi suất tiếp tục theo hướng giảm tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. "Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm", ông Tú nói.

Trước đó, đóng góp ý kiến tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 tổ chức sáng nay (4/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Về phía điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần có thêm các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác như: Giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai tác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương