Muốn tận dụng ưu đãi từ Hiệp định AANZFTA, hàng XK phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ |
Chú trọng nguồn nguyên liệu
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đánh giá: Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Australia trong 10 năm gần đây tăng gấp đôi, từ khoảng 3 tỷ lên hơn 6 tỷ USD, tương đương bình quân gần 10%/năm, riêng năm 2017 tăng 22,1%. Tuy nhiên, so với tiềm năng, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia còn khiêm tốn. Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang Australia còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này. Một trong những nguyên nhân là do DN Việt Nam còn khá lúng túng trong việc tìm hiểu, tận dụng các cam kết, ưu đãi, dù AANZFTA đã có hiệu lực từ năm 2010.
Đơn cử, để tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định AANZFTA, hàng XK phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Theo kinh nghiệm của Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia - những quốc gia đã tận dụng tốt AANZFTA, đáp ứng các tiêu chí này, DN phải kết hợp chặt chẽ với các DN sản xuất nguyên phụ liệu trong nước có chất lượng để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào ổn định cho sản xuất hàng XK. Ngoài ra, có thể xem xét việc liên kết với các DN nước ngoài (các nước tham gia hiệp định) để cung ứng những nguyên phụ liệu mà trong nước chưa sản xuất được, hoặc sản xuất nhưng chất lượng chưa tốt.
Nâng sức cạnh tranh cho hàng XK
Australia là quốc gia sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm nhưng bù lại, họ cũng có yêu cầu rất cao về chất lượng. Bài học từ DN của các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia cho thấy, các DN phải chú trọng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, xây dựng và tuân thủ các tiêu chí để đáp ứng các tiêu chuẩn về SPS (các biện pháp bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, vật nuôi, động vật, thực vật thông qua việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn các dịch bệnh), TBT (các biện pháp áp dụng với hàng nhập khẩu nhằm hạn chế trở ngại cho thương mại quốc tế) của thị trường Australia thông qua việc đầu tư, đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, HACCP, ISO 14000). DN các quốc gia này còn tham gia tích cực các chương trình nâng cao năng lực về SPS, TBT của Chính phủ, của các đối tác tham gia AANZFTA hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, dù Hiệp định AANZFTA đang mang lại những ưu đãi đáng kể nhưng không có nghĩa DN XK ồ ạt, mà cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng XK. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao thay vì các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền, chất lượng không tốt. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau như hội chợ triển lãm, thương vụ ở nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng…
Bà NguyễnThị Hoàng Thúy - Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia: Nếu muốn trụ vững trên thị trường Australia, các DN Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. |
Phương Lan