Đẩy nhanh tiến độ sớm ký kết FTA giữa Việt Nam - UAE Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương giữa Việt Nam - Costa Rica Việt Nam coi trọng hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn |
Thông tin từ Đoàn công tác Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 diễn ra tại UAE, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn các nước thành viên của WTO.
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự các buổi làm việc có đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Báo Công Thương...
Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào vui mừng đánh giá, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay.
Hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gặp gỡ trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 diễn ra tại UAE |
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong năm 2023 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Đặc biệt, có 12 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Tại cuộc gặp gỡ này, hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai nước, hai Bộ trưởng đều khẳng định quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và nỗ lực hơn nữa nhằm triển khai hiệu quả những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt - Trung thời gian qua. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung”. Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022); đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Trên cơ sở vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung, hai Bộ trưởng đã trao đổi về một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác thời gian tới; cùng đó là những định hướng quan trọng trong tương lai nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung phát triển theo hướng ổn định hơn, cân bằng hơn và bền vững hơn.
Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có các buổi tiếp xúc, làm việc song phương dày đặc với: Ông Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc; ông Arman Shakkaliyev, Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan; ông Manuel Tovar Rivera, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Costa Rica và ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ; Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE); Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO; ngài Nir Barkat, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel; bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách xúc tiến thương mại, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế (Minister of Export Promotion, International Trade and Economic Development) của Canada; ông Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) của Malaysia...
Hội nghị MC13 được diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu 2023 vẫn trong tiến trình phục hồi để trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19 và đồng thời vẫn đang chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp.
Do vậy, tại Hội nghị MC13, các thành viên WTO đã thảo luận về việc triển khai các kết quả đã được thống nhất tại Hội nghị MC12, bao gồm việc tiếp tục đàm phán giai đoạn 2 của Hiệp định Trợ cấp thủy sản và thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp thủy sản giai đoạn 1; xác định các định hướng lớn trong cải cách WTO, trong đó có cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp; mở rộng miễn trừ nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS cho các sản phẩm chẩn đoán và điều trị Covid-19; xem xét tiếp tục gia hạn cam kết không áp thuế hải quan đối với truyền dẫn điện tử trong thương mại điện tử; thúc đẩy việc đàm phán các nội dung cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tại MC13 các Thành viên WTO cũng đã thảo luận về các chủ đề mới như thương mại mang tính bao trùm để đảm bảo các nền kinh tế và các bộ phận dân cư khác nhau đều được hưởng lợi từ thương mại quốc tế, thương mại và chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp…
Nguyên Minh - Cập nhật từ Abu Dhabi - Thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)