Việt Nam xuất siêu 8 năm liên tiếp

24/10/2023 - 02:07
(Bankviet.com) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã 8 năm liên tiếp xuất siêu, đồng thời, nửa nhiệm kỳ qua cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng.
Xuất siêu hàng hóa đạt con số kỷ lục sau 7 tháng đầu năm 2023 Họp báo Chính phủ thường kỳ: Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng Bình Phước: Xuất siêu gần 1 tỷ USD, đơn hàng cuối năm gia tăng

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi

Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Việt Nam xuất siêu 8 năm liên tiếp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh:VPQH)N

Báo cáo đã chỉ ra nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; trong đó đã thực hiện những giải pháp “chưa từng có” để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng, chống dịch - đây là nền tảng để phục hồi nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp, trong đó, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 15 tỷ USD.

Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh, cơ bản bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ trong khó khăn; dịch vụ, du lịch phát triển khá sôi động, phục hồi nhanh sau dịch COVID-19. Năm 2023, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm nhưng đã chuyển biến tích cực hơn.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 03 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với phân cấp phân quyền được đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 37 luật, Nghị quyết, quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai, y tế, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch, xuất nhập cảnh…

Chính phủ đã ban hành 264 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 71 quyết định quy phạm và 3.992 quyết định cá biệt. Các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 quy định kinh doanh, cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chính phủ cũng đã quyết liệt cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy các bộ, cơ quan; triển khai Đề án 06, xây dựng Chính phủ số; ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thành lập 06 Hội đồng điều phối vùng.

Cùng với đó, nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ ban hành và nâng cao chất lượng các quy hoạch đã được triển khai thực hiện. Đã có 90/110 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, trong đó đã ban hành 33 quy hoạch, bao gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII, quy hoạch các phương thức giao thông vận tải....

"Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng cao. Tập trung xử lý các vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp hơn mục tiêu đề ra.."- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Đặc biệt, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G20.

Qua đó, phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác cả về kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao (chíp, bán dẫn, Hydrogen…), văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực…

Nâng cao tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn.

Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Việt Nam xuất siêu 8 năm liên tiếp
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 23/10

Sau đại dịch COVID-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng yêu cầu tạo chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; cắt giảm thủ tục hành chính có lúc có nơi còn chậm, thiếu quyết liệt; sắp xếp, kiện toàn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập.

Đáng chú ý, một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa được như kỳ vọng.

Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt kế hoạch; một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ, vướng mắc về thủ tục pháp lý… Thu hút vốn FDI còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới đó là, kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách. Đẩy nhanh tiến độ thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyết liệt cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị; phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phát huy mạnh mẽ hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương