VietBank đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE

12/04/2024 - 16:52
(Bankviet.com) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, UPCoM: VBB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với 2 kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 gồm mục tiêu cơ sở và mục tiêu phấn đấu. Đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 26/04 tới đây.

Đối với mục tiêu cơ sở, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 950 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả thực hiện năm 2023 và đi ngang so với kế hoạch đề ra trong năm vừa qua.

Ngoài ra, VietBank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản mở rộng thêm 5% so với thời điểm hồi đầu năm, lên mức 145.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 8% lên 110.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng 11% lên mức 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,5%.

VietBank đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, UPCoM: VBB).

Đối với mục tiêu phấn đấu, VietBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng 29% so với năm 2023, lên mức 1.050 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 14% và 18%, lên mức 118.000 tỷ đồng và 95.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VietBank lên kế hoạch, trong năm 2025 đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản tăng lên 170.000 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 là 135.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng là 110.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ muốn tăng lên 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE cố gắng nâng lên trên 11%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, VietBank ghi nhận gần 647 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2023. Sau khi trích lập các quỹ và cộng dồn với lợi nhuận chưa phân phối các năm trước, Ngân hàng có hơn 1.593 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, VietBank dự kiến dùng gần 1.445 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, còn lại 148 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại.

Theo đó, trong năm 2024, Vietbank dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%. Tổng mệnh giá phát hành tương ứng gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2024.

Theo Hội đồng quản trị VietBank, số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2024 dự kiến được sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.

Hiện tại, VietBank đang là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong hệ thống ngân hàng khi mới đạt 4.777 tỷ đồng, nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép vốn điều lệ và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ nhà băng này sẽ tăng lên mức gần 7.225 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietbank dự kiến tiếp tục triển khai phương án tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt trước đó, với tổng số tiền tăng thêm là 1.003 tỷ đồng. Hiện VietBank đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cổ phiếu và đang thực hiện các thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý II và III/2024.

Cũng tại đại hội năm nay, VietBank dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Hội đồng quản trị Vietbank cũng đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HOSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Theo VietBank, căn cứ vào hoạt động kinh doanh năm 2021, 2022 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, Vietbank đã đáp ứng được các điều kiện về kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính và quản trị điều hành.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường trong nước năm 2023 có biến động nên VietBank chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu. VietBank tiếp tục trình kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE khi điều kiện thị trường thuận lợi.

VietBank cho biết, sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu ở mức dưới 3% vào năm 2025.

Mặc dù nợ xấu của VietBank tại ngày 31/12/2023 giảm 11% so với đầu năm qua, nhưng vẫn còn hơn 2.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm từ mức 3,65% đầu năm xuống còn 2,56%.

VietBank miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc

Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) vừa thông báo về việc miễn nhiệm chức danh Phó ...

Nữ đại gia Trần Thị Lâm thôi chức Phó Tổng Giám đốc tại VietBank

Bà Trần Thị Lâm là một trong những cổ đông đầu tiên góp vốn và xây dựng VietBank từ những ngày đầu thành lập vào ...

Vân Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán