VietinBank muốn chuyển nhượng dự án hơn 10 ngàn tỷ đồng tại cửa ngõ "Khu đô thị nhà giàu"

13/07/2025 - 19:10
(Bankviet.com) Khởi công từ 2010, đại dự án Vietinbank Tower trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, VietinBank đang tìm đối tác chuyển nhượng Dự án.
Chuyển động

VietinBank muốn chuyển nhượng dự án hơn 10 ngàn tỷ đồng tại cửa ngõ "Khu đô thị nhà giàu"

Cao Thái 13/07/2025 10:01

Khởi công từ 2010, đại dự án Vietinbank Tower trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, VietinBank đang tìm đối tác chuyển nhượng Dự án.

Dự án quy mô lớn trên “đất vàng”

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vừa phát thông báo mời quan tâm tới các nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank tại lô đất TM1, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Hà Nội.

Các đối tác quan tâm cần có năng lực tài chính và đủ điều kiện pháp lý để tham gia thẩm định và đàm phán dự án. Thời hạn tiếp nhận đăng ký kéo dài đến 17h00 ngày 25/7/2025, tại trụ sở Ngân hàng số 108 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

vietinbank1(1).jpg
Dự án hơn 10.000 tỷ đồng tọa lạc trên đất vàng có diện tích gần 30.000m2

Dự án có tên gọi VietinBank Tower, được khởi công từ năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 10.267 tỷ đồng trên diện tích gần 30.000m², gần cửa ngõ vào Khu đô thị Ciputra.

Theo thiết kế, dự án gồm một tòa tháp cao 68 tầng làm trụ sở chính của ngân hàng và một tòa tháp cao 48 tầng dành cho khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp. Hai tòa được kết nối bằng khối đế 7 tầng tích hợp chức năng hội nghị, ẩm thực và dịch vụ.

Dự kiến hoàn thành năm 2014, song sau hơn một thập kỷ, dự án vẫn dang dở. Tòa 48 tầng mới chỉ xây xong phần khung, còn tháp 68 tầng – công trình được kỳ vọng nhất hiện dừng ở phần khối đế. Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực tái cơ cấu khối tài sản nghìn tỷ đồng mà VietinBank đã theo đuổi suốt 15 năm.

Loay hoay tìm hướng xử lý đại dự án

Trong mỗi mùa ĐHĐCĐ, cổ đông VietinBank đều dành sự quan tâm đặc biệt cho số phận của dự án nêu trên, phương án xử lý khối tài sản liên quan.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, dự án VietinBank Tower – trụ sở nghìn tỷ đắp chiếu suốt nhiều năm đã trở thành tâm điểm chất vấn. Các cổ đông yêu cầu lãnh đạo VietinBank làm rõ tiến độ tái cơ cấu và khả năng tìm được đối tác “giải cứu” dự án này.

vietinbank2(1).jpg
Vietinbank đang tìm lối ra cho dự án Vietinbank Tower bằng phương thức chuyển nhượng nhà đầu tư

Trả lời cổ đông, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch VietinBank thời điểm đó thừa nhận quy mô dự án quá lớn, nếu chỉ sử dụng làm trụ sở thì sẽ lãng phí tiềm năng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2018, ngân hàng đã trình ba phương án xử lý dự án: (1) chuyển nhượng toàn bộ dự án và thuê lại làm trụ sở; (2) bán một phần gồm tháp 48 tầng và khối đế, giữ lại tháp 68 tầng; (3) tiếp tục đầu tư và tìm đối tác trong quá trình triển khai. Đến nay, VietinBank nghiêng về phương án thứ nhất – bán toàn bộ và thuê lại như một lối thoát khả thi.

Từ sau ĐHĐCĐ bất thường 2018, Vietinbank đã thành lập Hội đồng tái cơ cấu dự án, huy động nhiều bộ phận tham gia và ghi nhận sự quan tâm của 15–16 tập đoàn, trong đó 9 đơn vị đã ký thỏa thuận bảo mật để tìm hiểu sâu. Việc lựa chọn tư vấn và triển khai được nỗ lực đẩy nhanh nhằm đảm bảo pháp lý và tối ưu giá trị thu hồi.

Bao nhiêu tiền đã được đổ vào?

Rất ít dữ liệu công bố thể hiện cụ thể số tiền thực tế VietinBank đã đầu tư vào Vietinbank Tower. Tuy nhiên qua báo cáo tài chính hàng năm, dễ nhận thấy chi phí xây dựng cơ bản dở dang luôn chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản phải thu.

Tại thời điểm 31/12/2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 5.678,5 tỷ đồng, chiếm 20,45% cấu trúc các khoản phải thu. Trong đó, phần lớn (5.419,2 tỷ đồng) là tại các công trình khu vực miền Bắc.

vietinbank3.jpg
Chi phí xây dựng dở dang các công trình miền Bắc chiếm phần lớn và ổn định trong nhiều năm qua

Đây là khoản mục gần như “án binh bất động” trong nhiều năm. Tại 31/12/2023, khoản mục này ở mức 5.570 tỷ đồng, trong khi vào cuối năm 2016 chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VietinBank tại miền Bắc đã ghi nhận 4.955 tỷ đồng, tức chỉ tăng chưa đến 10% sau bảy năm. Điều này cho thấy tiến độ triển khai các công trình liên quan, đặc biệt là những dự án quy mô lớn hầu như không có đột phá.

Tại khu vực miền Bắc, dự án VietinBank Tower là tổ hợp có quy mô lớn và được đầu tư sớm nhất, được xem là nguyên nhân chính khiến khoản dở dang nhiều năm qua không biến động đáng kể.

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 7/7 chứng kiến mức tăng mạnh nhất (+3,98%) kèm thanh khoản vượt 11,4 triệu cổ phiếu. Khối ngoại mua ròng liên tục trong giai đoạn 24/6–8/7, cao điểm là ngày 4/7 với hơn 3,4 triệu cổ phiếu.

vietinbank4.jpg
Diễn biến giao dịch cổ phiếu CTG thời gian gần đây

Tuy nhiên, xu hướng đảo chiều trong hai phiên cuối tuần khi khối ngoại bán ròng mạnh, đặc biệt là phiên 11/7 với hơn 2,2 triệu cổ phiếu. Tự doanh cũng bán ròng tại vùng giá cao, thể hiện rõ ở phiên 10/7 với mức bán ròng trên 670.000 cổ phiếu.

Giao dịch thỏa thuận gia tăng đáng kể tại các phiên 26/6, 1/7 và 8/7, cho thấy khả năng có cơ cấu cổ đông lớn hoặc giao dịch nội bộ. Dù xuất hiện lực bán chốt lời, thanh khoản toàn thị trường vẫn duy trì tích cực.

Tuy nhiên, với việc CTG đã tiệm cận vùng đỉnh ngắn hạn, diễn biến giá trong các phiên tới sẽ phụ thuộc vào dòng tiền mới và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2025.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán