Vinatex (VGT) phát giá 35.000 đồng cho mỗi cổ phần May Đồng Nai

23/08/2024 - 23:51
(Bankviet.com) Tương tự trường hợp May Bình Minh, Vinatex (VGT) ra giá khá cao cho lô cổ phần đang sở hữu tại May Đồng Nai (Donagamex), khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn.
Phát triển thị trường ngách cho ngành dệt may: Cuộc chơi của các “ông lớn” Thương mại song phương Việt Nam - Nga tăng 45,5%, nhiều nhóm hàng xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao Doanh nghiệp dệt may tìm cơ hội tại thị trường Mỹ

Mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) đã thông qua nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại công ty liên kết là Tổng công ty May Đồng Nai (Donagamex).

Căn cứ số liệu từ quý II/2024, Vinatex đang nắm giữ 2,8 triệu cổ phần tại May Đồng Nai, chiếm 27,5% vốn điều lệ, với giá trị trên 28 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Vinatex cho biết, tới đây sẽ tiến hành chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm từ 35.000 đồng/cổ phần, cao hơn 3,5 lần mệnh giá. Thời gian triển khai dự kiến trong quý III/2024.

Vinatex (VGT) phát giá 35.000 đồng cho mỗi cổ phần May Đồng Nai
Để Vinatex có thể dễ dàng bán ra cổ phần May Đồng Nai với mức giá cao, dĩ nhiên, kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố hỗ trợ cơ bản (Ảnh: May Đồng Nai)

Như vậy nếu thương vụ thành công, Vinatex sẽ thu về tối thiểu hơn 98 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, tiền thân của May Đồng Nai là International Garment Manufacture, do 14 cổ đông là các nhà tư bản đến từ Đài Loan (Trung Quốc) thành lập năm 1974. Sau ngày giải phóng miền Nam, công ty được quốc hữu hóa và đổi tên thành hiện tại, đồng thời trở thành thành viên của Vinatex vào giai đoạn 1991 - 1995.

May Đồng Nai hiện có 3 công ty con, bao gồm: Công ty Cổ phần May Định Quán (chiếm 53,33% cổ phần), Công ty Cổ phần Đông Bình (chiếm 59,17% cổ phần), Công ty Cổ phần Đồng Xuân Lộc (chiếm 57,62% cổ phần) và 1 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Đồng Minh Phú (chiếm 30% cổ phần).

Để Vinatex có thể dễ dàng bán ra cổ phần May Đồng Nai với mức giá cao, dĩ nhiên, kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố hỗ trợ cơ bản. Tuy nhiên, trước thời điểm Vinatex đưa ra quyết định triệt thoái vốn, May Đồng Nai lại có màn trình diễn khá nhọc nhằn.

Năm 2023, May Đồng Nai ghi nhận doanh thu thuần 485,2 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 30,9 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 12,2 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của May Đồng Nai là 332,9 tỷ đồng, bao gồm: tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 70,3 tỷ đồng; hàng tồn kho 54,2 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 76,4 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào Cụm công nghiệp Hưng Lộc...

Đáng chú ý, tài sản cố định hữu hình của công ty đã ghi nhận khấu hao tới 85%, còn lại 55,3 tỷ đồng.

Số tài sản trên được hình thành từ 170 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 162,9 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ vay chiếm khoảng 50%.

Trước May Đồng Nai, ngày 16/7, Vinatex cũng ra thông báo về việc bán toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty Cổ phần May Bình Minh (UPCoM: BMG). Hiện tại, VGT đang nắm giữ 1,323 triệu cổ phiếu BMG tương đương với 25% vốn điều lệ tại May Bình Minh.

Thời gian chào bán chưa được ấn định. Dự kiến, lô cổ phiếu này sẽ được chào bán theo hình thức đầu giá công khai, giá khởi điểm chào bán là 43.700 đồng/cổ phiếu, giúp Vinatex có thể thu về ít nhất 57,8 tỷ đồng. Song, giới đầu tư đánh giá con số Vinatex đưa ra khá xa vời thực tế. Bởi lẽ, thị trường chỉ đang định giá BMG ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 57% so với giá chào bán từ Vinatex.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của May Bình Minh cũng không có điểm ấn tượng, thậm chí có phần ảm đạm nếu đặt cạnh các doanh nghiệp may mặc khác.

Thanh Phong

Theo: Báo Công Thương