VIS Rating: Nhiều ngành xuất khẩu Việt Nam có thể chịu áp lực lớn từ chính sách thương mại Mỹ

29/03/2025 - 06:13
(Bankviet.com) Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu với ô tô, LNG và ethanol từ Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại, tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuế đối ứng. VIS Rating cảnh báo nếu Mỹ siết thuế, ngành dệt may, đồ gỗ và điện tử Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng. Kết quả đàm phán song phương sẽ quyết định mức độ tác động.

Trong báo cáo mới công bố ngày 26/3/2025, VIS Rating cho biết Chính phủ đã chính thức thông báo việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Mỹ, bao gồm ô tô, ethanol và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chính sách này sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 3 và được xem là bước đi chủ động nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ, đồng thời tránh nguy cơ bị áp thuế đối ứng theo kế hoạch sắp được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 2/4/2025.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết”, từng áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ các đối tác như Canada, Trung Quốc, Mexico và một số ngành trọng yếu như ô tô, thép và nhôm. Việt Nam – quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đang trở thành tâm điểm chú ý của Washington.

iệt Nam nằm trong số những đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ
Việt Nam nằm trong số những đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ

VIS Rating đánh giá, các ngành công nghiệp như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu ảnh hưởng rõ nét nếu thuế đối ứng được áp dụng. Đây đều là những lĩnh vực có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ và phụ thuộc cao vào thị trường này. Dù vậy, mức độ tác động dự kiến sẽ phân hóa.

Theo phân tích, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử và thiết bị máy móc có khả năng ứng phó tốt hơn thông qua việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuyển một phần sản xuất sang quốc gia khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may, da giày, gỗ lại có ít lựa chọn thay thế, nên sẽ đối mặt với nguy cơ giảm đơn hàng, chi phí tăng và suy giảm dòng tiền.

Một số doanh nghiệp được nêu cụ thể gồm: Công ty May Sông Hồng (MSH) với 80% doanh thu đến từ thị trường Mỹ, TNG đạt tỷ lệ 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35% và Dệt May Thành Công (TCM) khoảng 25%. Trong lĩnh vực đồ gỗ, Savimex (SAV) ghi nhận khoảng 50% doanh thu đến từ xuất khẩu sang Mỹ.

Các doanh nghiệp nổi bật trong từng nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ
Các doanh nghiệp nổi bật trong từng nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ

Trong những tuần qua, Chính phủ hai nước đã tích cực đàm phán để tránh nguy cơ căng thẳng thương mại. Không chỉ giảm thuế nhập khẩu, Việt Nam cũng đã mở cửa thêm cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường. Đáng chú ý, SpaceX – tập đoàn công nghệ hàng đầu của tỷ phú Elon Musk – đã được cấp phép thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam, thể hiện thiện chí hợp tác của Việt Nam với các doanh nghiệp Mỹ.

VIS Rating nhận định, những biện pháp nêu trên có thể góp phần thu hẹp dần thặng dư thương mại song phương. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn nằm ở kết quả của các vòng đàm phán tiếp theo giữa hai chính phủ, trong đó bao gồm cả nội dung và thời gian áp dụng của chính sách thuế mới từ Mỹ.

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở rất cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu tương đương 85% GDP năm 2024. Xuất khẩu không chỉ là trụ cột của tăng trưởng mà còn tạo việc làm cho khoảng 30% lực lượng lao động trong nước. Bởi vậy, nếu Mỹ nâng thuế với hàng Việt Nam, điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh mà còn đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.

Thuế và chính sách thương mại: "Cơn sóng ngầm" tác động đến xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, chính sách thuế và thương mại đang trở thành những nhân tố quan trọng ...

Ba kịch bản tác động đến Việt Nam khi Mỹ áp thuế đối ứng

Ngày 2/4, chính quyền ông Donald Trump sẽ công bố chính sách thuế đối ứng mới, nhiều khả năng Việt Nam nằm trong nhóm bị ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán