Áp lực tỷ giá tăng cao do chỉ số DXY tăng giá
Báo cáo của VNDirect chỉ ra rằng, tháng 11/2204 chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác). Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump, các dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và lập trường thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc giảm lãi suất.
Mặc dù ông Trump tuyên bố không muốn đồng USD tăng quá mạnh để tránh tác động tiêu cực đến xuất khẩu, nhưng các chính sách thuế nhập khẩu cao và thuế suất trong nước thấp dường như lại tạo áp lực lạm phát, buộc Fed phải thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Điều này tiếp tục đẩy chỉ số DXY lên mức cao. Báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 của Mỹ ghi nhận mức tăng 0,2% so với tháng trước, với lạm phát hàng năm đạt 2,6%, tăng từ mức 2,4% của tháng 9. Tuy nhiên, lạm phát lõi vẫn duy trì ở mức 3,3%, cho thấy Fed đang gặp thách thức trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Bên cạnh đó, những phát biểu thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Dallas tiếp tục củng cố đà tăng của DXY. Đến ngày 14/11, chỉ số này vượt mốc 106,8, tạo áp lực lớn lên tỷ giá VNĐ/USD. Từ ngày 30/9 đến 23/10, VNĐ đã mất giá 3,4% so với USD. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) can thiệp bằng cách bán ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ đạt đỉnh 25.502 VNĐ/USD vào ngày 13/11, trước khi giảm nhẹ xuống 25.405 VNĐ/USD vào ngày 19/11. Tính từ đầu năm, VNĐ đã mất giá 4,7% so với USD, tăng so với mức 4,2% của tháng 10 và 4,9% của nửa đầu năm 2024.
Theo VNDirect , mặc dù NHNN đã sử dụng biện pháp bán ngoại tệ giao ngay và phát hành tín phiếu kho bạc để giảm áp lực tỷ giá, VNĐ vẫn tiếp tục mất giá trong hai tuần đầu tháng 11. Điều này chủ yếu do sự hỗ trợ từ đà tăng của DXY sau bầu cử Mỹ và nhu cầu USD để thanh toán nợ của Kho bạc Nhà nước tăng cao.
Dự kiến, áp lực tỷ giá sẽ duy trì đến cuộc họp Fed vào tháng 12/2024 và lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, thặng dư thương mại mạnh mẽ của Việt Nam đạt 23,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, cùng dòng kiều hối tích cực cuối năm, được kỳ vọng sẽ phần nào ổn định tỷ giá VNĐ.
Ngân hàng nhà nước bơm tiền khi lãi suất liên ngân hàng tăng cao
Thống kê của VNDirect, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tăng nhẹ lên 4,82%/năm vào ngày 14/11, cao hơn 0,01 điểm % so với cuối tháng 10. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh vào cuối năm. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 10,08% vào cuối tháng 10/2024. Dự kiến, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút vốn, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng dự báo dao động từ 4,9% đến 5% vào cuối năm.
Để giảm bớt áp lực thanh khoản, NHNN đã tích cực bơm tiền qua kênh thị trường mở (OMO). Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh lên 5,8% vào ngày 15/11, tăng 1,3 điểm % chỉ trong một tuần. Đáp lại, NHNN đã bơm 115.000 tỷ đồng (4,5 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm. Song song đó, NHNN vẫn đấu thầu tín phiếu định kỳ ở quy mô nhỏ hơn, kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất dao động trong khoảng 3,9-4%.
Kể từ đầu năm, NHNN đã bơm ròng 48.300 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) qua kênh OMO, tính đến ngày 15/11. Áp lực thanh khoản hiện tại phần lớn đến từ việc Kho bạc Nhà nước rút tiền để trả nợ và NHNN phát hành tín phiếu vào cuối tháng 10 nhằm giảm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, việc 41.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn vào tuần cuối tháng 11 sẽ phần nào giảm bớt tình trạng thiếu thanh khoản.
VNDirect cho rằng, bước sang năm 2025, NHNN có thể gặp hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ do áp lực từ tỷ giá và thanh khoản. Tuy nhiên, với kỳ vọng giải ngân đầu tư công mạnh mẽ, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì tích cực. Điều này đồng nghĩa rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc không chỉ vào chính sách tiền tệ mà còn vào các yếu tố nội địa, bao gồm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lãi suất gia tăng, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng. Những yếu tố tích cực như thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối tiếp tục là những nhân tố hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ: Đồng USD tăng mạnh, nhà đầu tư phải quan tâm những điều gì? Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã ngay lập tức tác động tới thị trường tài ... |
Chứng khoán châu Á lao dốc, USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay khi các chỉ số chính từ Nhật Bản đến ... |
Tỷ giá yen Nhật hôm nay 29/11: Đồng yen tăng mạnh, giao dịch ngân hàng nào có lợi nhất? Tỷ giá yen Nhật hôm nay 29/11 ghi nhận sự biến động nhẹ tại các ngân hàng thương mại với mức tăng giảm trái chiều. ... |
Nguyên Nam