Công ty CP VNG (UPCOM: VNZ) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024. Theo đó Công ty tiếp tục ghi nhận tình trạng lỗ sau thuế, song tình hình đã cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.259 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn là cột trụ chính khi đóng góp tới 1.772 tỷ đồng trong quý vừa rồi.
Trong kỳ hầu hết các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp,... đều giảm so với cùng kỳ, điều này giúp lỗ sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ năm 2023, từ 90 tỷ đồng xuống còn 31 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 45 tỷ đồng và cổ đông công ty mẹ có lợi nhuận 13,7 tỷ đồng.
Đây là quý thứ 10 liên tiếp mà VNG báo lỗ kể từ quý IV/2021. Ban lãnh đạo VNG cho biết lỗ luỹ kế tiếp tục xuất hiện do nhóm công ty tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.
Công ty CP VNG vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 |
Hết quý I/2024, tổng tài sản của VNG đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, với gần 6.200 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Tại thời điểm ngày 31/3/2024, VNG ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền là 4.441 tỷ đồng, tăng 15% so với mức 3.837 tỷ đồng của thời điểm kết thúc năm 2023. Tính đến hết quý đầu năm, VNG nắm giữ 309 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tiền gửi ngân hàng là 2.524 tỷ đồng.
Về các khoản đầu tư tài chính dài hạn, hầu hết công ty liên kết của VNG đều đang thua lỗ, ngoại trừ Dayone ghi nhận lãi nhẹ. Tiki Global, Rocketeer và Beijing Youtu đã lỗ hết khoản đầu tư với con số lần lượt là 510 tỷ, 33 tỷ và 35 tỷ đồng. Các công ty khác cũng đang báo lỗ như Telio (290 tỷ đồng); Funding Asia (82 tỷ đồng) và OCG (2,2 tỷ đồng).
Khoản đầu tư tại Zion của VNG tăng nhẹ với tỷ lệ sở hữu đạt 73,758%, tương đương 3.554 tỷ đồng. Hiện đơn vị sở hữu ZaloPay là khoản đầu tư vào công ty con lớn nhất của VNG.
Ngoài ra, công ty cũng rót 898 tỷ đồng vào Công ty CP Dịch vụ Dữ liệu Công nghệ thông tin Vi Na, cũng như hàng trăm tỷ đồng vào công ty TNHH Phát triển phầm mềm VTH, Công ty CP Dịch vụ mạng Vi Na, công ty TNHH Verichains... Tính đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con của VNG vượt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo tuyên bố của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) được phát hành trên website chính thức, "kỳ lân công nghệ" Việt Nam đã chính thức rút hồ sơ IPO tại Mỹ. Doanh nghiệp này quyết định sẽ không tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng ở thời điểm hiện tại và có kế hoạch nộp đơn trong tương lai. Tuyên bố trên cũng không cung cấp bất kỳ khoảng thời gian sẽ tiến hành lại quá trình IPO hay lý do cho việc rút hồ sơ nói trên.
Hồi tháng 8/2023, VNG Limited được xem là một trong những startup công nghệ dành được nhiều kỳ vọng nhất của Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Cổ đông chi phối VNG dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.
Theo nguồn tin từ Reuters, "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam đặt kế hoạch thu về khoảng 150 triệu USD thông qua đợt IPO trên đất Mỹ. Việc niêm yết có thể diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10. Các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO bao gồm Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc.
Tuy nhiên, ngay sau đó Công ty đã thông báo hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ với lý do thị trường không thuật lợi. Theo nguồn tin từ Tech in Asia, CEO VNG, ông Lê Hồng Minh đã có những chia sẻ trong nội bộ về nguyên nhân công ty hoãn kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Cụ thể, ông Lê Hồng Minh cho rằng các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với các đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á.
Ông Lê Hồng Minh chia sẻ: “Tôi muốn VNG thực hiện IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt nhất sau khi lên sàn. Bất chấp tình hình vĩ mô đầy thách thức trong năm 2023, tất cả hoạt động kinh doanh của VNG đều đang phát triển tốt và công ty đang nhìn thấy những cơ hội lớn trong nỗ lực toàn cầu và AI của mình”.
CEO Lê Hồng Minh cũng cho biết, ban lãnh đạo công ty đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua để chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy vậy, hầu hết các nhà đầu tư đang chỉ đứng chờ và quan sát. “Tôi có niềm tin chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể quay trở lại thị trường trong tương lai rất gần”, ông Lê Hồng Minh khẳng định.
Cũng trong một báo cáo phân tích mới đây của Tech in Asia, đơn vị này cho rằng tốc độ tăng trưởng của VNG đã chậm lại trong những năm gần đây và hoạt động kinh doanh tài chính số (fintech) của doanh nghiệp đã trở thành rào cản lớn trong việc tăng trưởng lợi nhuận.
Theo bản cáo bạch nộp lên SEC, danh sách những cổ đông chủ chốt sở hữu cổ phiếu hạng A của VNG Limited đều là những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Tencent, Ant Group cùng Temasek và GIC - 2 quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore. Bên cạnh số cổ phiếu hiện hữu, VNG Limited sẽ phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu cho Tencent sau khi hoàn tất IPO. Như vậy 2 tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ sở hữu gần 73 triệu cổ phiếu hạng A, tương đương 53,1% lợi ích kinh tế của VNG Limited.
Mặc dù sở hữu quá bán về lợi ích kinh tế nhưng Tencent và Ant chỉ nắm giữ 26% quyền biểu quyết. Với tỷ lệ biểu quyết 51% thì 2 nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải vẫn là những người có tiếng nói chủ chốt trong các quyết sách quan trọng của VNG Limited.
"Kỳ lân" công nghệ VNG không thực hiện được mục tiêu giảm lỗ ròng về mức 378 tỷ đồng trong 2023 Mặc dù khoản lỗ năm 2023 đã "co lại" đáng kể so với năm 2022 nhưng vẫn là chưa đủ để VNG hoàn thành mục ... |
VNG, FPT, Thế giới Di động,... bị Bộ Công an “điểm mặt, chỉ tên” trong các vụ việc để lộ thông tin khách hàng Trong dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một số vụ việc điển hình về việc để ... |
EVN hợp tác cùng Wartsila (Phần Lan) đề xuất rót 1 tỷ USD vào Nhà máy điện tại Ninh Bình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị sở hữu EVNGENCO3, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,19%; trong khi đó, EVNGENCO3 ... |
Tiểu Vy