Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 19/11 tại Hải Phòng. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận việc điều chỉnh và bổ sung kế hoạch mua tàu trong năm nay, nhằm đối phó với những thách thức mà đội tàu hiện tại đang phải đối mặt.
Vosco cho biết đội tàu hiện tại đã giảm mạnh cả về số lượng và năng lực vận chuyển so với năm 2013 |
Vosco hiện đang quản lý và khai thác 13 tàu với tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT, bao gồm 9 tàu sở hữu (7 tàu hàng khô, hàng rời và 2 tàu container) và 4 tàu thuê ngoài (2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu hóa chất). Tuy nhiên, con tàu gần nhất mà Vosco đầu tư là Vosco Sunrise, nhận về năm 2013. Từ đó đến nay, công ty chỉ thanh lý các tàu cũ mà chưa bổ sung thêm tàu mới nào. Nguyên nhân được lý giải là do trước đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của công ty không tốt, tài chính hạn chế, khiến việc đầu tư hay thuê tàu gặp khó khăn. Sau đó, giá tàu tăng cao cùng các vướng mắc về cơ chế mua sắm và đóng mới tàu tiếp tục cản trở chiến lược phát triển.
Vosco cho biết, đội tàu hiện tại đã giảm mạnh cả về số lượng và năng lực vận chuyển so với năm 2013, đồng thời quy mô đội tàu hiện chỉ tương đương với một hãng tàu nhỏ trong khu vực. Trước tình hình đó, HĐQT đã đề xuất nhiều điều chỉnh trong chiến lược đầu tư để cải thiện năng lực.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông đã thông qua kế hoạch mua 3 tàu mới, bao gồm 1 tàu hàng rời 50.000–70.000 DWT, 1 tàu hàng rời 20.000–50.000 DWT và 1 tàu dầu sản phẩm MR 50.000 DWT.
Tuy nhiên, đến nay HĐQT hiện muốn xin ý kiến cổ đông về một số thay đổi quan trọng. Cụ thể, kế hoạch đầu tư tàu hàng rời 20.000–50.000 DWT sẽ được thay bằng việc mua tàu hàng rời Supramax đã qua sử dụng, size 56.000–58.000 DWT. Đồng thời, công ty muốn bổ sung thêm 1 tàu Supramax đã qua sử dụng với kích cỡ tương tự. Đối với tàu dầu sản phẩm MR, công ty đề xuất đóng mới 3 tàu với size khoảng 50.000 DWT. Bên cạnh đó, Vosco muốn đầu tư đóng mới 4 tàu hàng rời Ultramax, size 62.000–66.000 DWT, trong đó 2 tàu sẽ được công ty trực tiếp đóng mới và 2 tàu còn lại thực hiện dưới hình thức hợp tác, không cần vốn đầu tư trực tiếp từ công ty.
Dù kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu được kỳ vọng giúp cải thiện năng lực vận tải, mục tiêu doanh thu năm 2024 của Vosco lại khá thận trọng với mức giảm 28,2% so với năm 2023, còn 2.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng 62%, đạt 323 tỷ đồng, nhờ nỗ lực tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Vosco ghi nhận tổng doanh thu 4.239 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023. Vosco cho biết, sự tăng trưởng này phần lớn đến từ việc công ty thuê thêm hai tàu hóa chất Đại Hưng và Đại Thành từ quý I/2024, giúp tăng nguồn doanh thu đáng kể.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Vosco đạt hơn 344 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2024, khi đạt 413 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 28% so với kế hoạch đề ra là 323 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vosco đạt 3.247 tỷ đồng, tăng 532 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty không có nợ vay tài chính, điều này giúp củng cố nền tảng tài chính vững chắc cho các kế hoạch phát triển trong tương lai.
Tuy vậy, một vấn đề vẫn tồn tại khi cổ đông Vosco chưa nhận được cổ tức suốt 13 năm qua. Lần duy nhất công ty chi trả cổ tức là vào năm 2010 với tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng Việt đua nhau họp cổ đông bất thường cuối năm 2024: Bất ngờ gì đang chờ đợi? Sáu ngân hàng lớn, bao gồm VietinBank, Saigonbank, LPBank, Eximbank, KienlongBank, và SeABank đã lên kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ... |
Chuyển động ngân hàng ngày 29/10: SSB triệu tập ĐHĐCĐ bất thường, MBB "đổi ghế" cổ đông lớn Gần đây, chứng kiến nhiều thay đổi đáng chú ý từ các ngân hàng lớn như SeABank, KienlongBank, LPBank, và MBBank. Những động thái này ... |
Phạm Hường