Cụ thể, trong tháng 10/2022, VIS đã có 4 lần sửa lỗi giao dịch thực hiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX); VPS đã có 9 lần sửa lỗi giao dịch thực hiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE); TCBS cũng có 12 lần sửa lỗi giao dịch thực hiện trên sàn HoSE.
VSD nhắc nhở cả 3 công ty chứng khoán (CTCK) trên phải có trách nhiệm tăng cường việc kiểm soát hoạt động giao dịch chứng khoán, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành để hạn chế sai sót dẫn đến việc sửa lỗi giao dịch.
Một diễn biến liên quan đến VPS, vào ngày 15/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán VPS. Theo đó, VPS bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).
Cụ thể, VPS bị xử phạt vì đã cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.
Ngoài ra, VPS bị phạt thêm 60 triệu đồng do đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Cụ thể, VPS bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.
Với các lỗi vi phạm trên, VPS bị xử phạt tổng số tiền là 185 triệu đồng.
VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE. Hình minh họa |
Được biết, VPS đang là CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới trên toàn "mặt trận" thị trường cổ phiếu cơ sở lẫn phái sinh. Với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong khoảng 2 năm trở lại đây, VPS cũng đã vươn lên mạnh mẽ và thách thức vị thế của các “ông lớn” cùng ngành. Trong quý 3 vừa qua, CTCK này tiếp tục giữ dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trên cả 3 sàn và thị trường phát sinh.
Về kết quả kinh doanh, VPS vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu hoạt động giảm 15% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 2.316 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 vẫn tăng 10% lên 264 tỷ đồng.
Doanh thu môi giới giảm 25% xuống 635 tỷ đồng. Trong quý 3, VPS tiếp tục dẫn đầu danh sách về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE với 18,71%, tăng hơn 1,6% so với quý trước đó.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của VPS tăng 6% so với cùng kỳ lên gần 7.029 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 21% lên 730 tỷ đồng.
Ngoài ra, lượng tiền nhà đầu tư đang nằm ở VPS cũng là một con số tương đối lớn. Tại thời điểm 30/9/2022, nhà đầu tư đang gửi hơn 18.400 tỷ đồng ở VPS, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm hồi cuối quý 2 năm 2022, lượng tiền nằm chờ của nhà đầu tư trong nước tại VPS giảm hơn 3.200 tỷ đồng.
Trong quý 3/2022, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE với 18,71%. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 sàn HoSE. Dư nợ cho vay margin của CTCK này tại thời điểm cuối quý 3/2022 ở mức 7.953 tỷ đồng.
Trong khi đó, TCBS đứng thứ 6 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE quý 3 vừa qua với 5,23% còn VIS không nằm trong top 10.
VIS được thành lập tháng 11/2006. Công ty đang thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành với các doanh nghiệp như: Tập đoàn Công nghiệp Tàu Thuỷ Việt Nam (VINASHIN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA)... VPS thành lập năm 2006, tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Công ty cung cấp các sản phẩm, dịch vụ như: môi giới chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn tài chính và phân tích. TCBS được thành lập từ năm 2008, là công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam Techcombank. |
Quỳnh Nga