Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh điều tra vụ sữa giả Vụ sữa giả: Soi chiếu trách nhiệm người nổi tiếng với Luật về bảo vệ người tiêu dùng Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương |
Sữa - mặt hàng kiểm tra trọng tâm hàng năm
Liên quan đến trách nhiệm của ngành Công Thương, của lực lượng Quản lý thị trường trong các vụ việc triệt phá đường dây sản xuất sữa, thuốc giả vừa qua, ngày 19/4, tiếp tục trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định một lần nữa, ngành Công Thương chỉ quản lý đối với các loại sữa bình thường, còn sữa có vi chất thuộc thẩm quyền Bộ Y tế.
Chiếu theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ban hành ngày 2/2/2018, tại phần IV - Phụ lục IV, quy định danh mục các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, trong đó có sữa chế biến (bao gồm: sữa dạng lỏng, các loại sữa được thanh trùng, tiệt trùng, lên men, dạng đặc, dạng bột…). Phụ lục này ghi rõ, sữa chế biến thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương nhưng không bao gồm các sản phảm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý.
Trong khi đó, tại Phụ lục II, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng.
Đáng chú ý, phản hồi về trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh khẳng định, không đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, "theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao” - ông Trần Hữu Linh thông tin.
![]() |
Với trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 4 năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 783 vụ việc liên quan đến mặt hàng sữa. Ảnh: Quyên Lưu |
Thực tế đã chứng minh, với trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, những năm qua, lực lượng luôn phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong công tác này.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Bộ trưởng Bộ Công Thương, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ tháng 10/2018 đến 28/2/2025, toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 665.168 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 417.604 vụ vi phạm, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng 911 vụ để xem xét, khởi tố hình sự. Tổng số tiền xử lý vi phạm 5.542 tỷ đồng, trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 3.376 tỷ đồng; trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, chuyển giao trị giá lên tới hơn 2.166 tỷ đồng.
Riêng đối với mặt hàng sữa, những năm qua lực lượng luôn xác định, cùng với xăng dầu, vàng, đường cát, thuốc lá… thì sữa là một trong những mặt hàng trọng tâm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Theo thống kê, trong 4 năm (năm 2021 - 2024), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.
Riêng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nay là Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng; tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là 5.853 lon, hộp, chai… với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.
Từ những số liệu trên, có thể khẳng định rằng, với tinh thần “không vùng cấm, không ngoại lệ”, lực lượng Quản lý thị trường không đứng ngoài cuộc; toàn lực lượng đã và đang hành động quyết liệt, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng để phòng, chống ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm đối với mặt hàng sữa nói riêng và các sản phẩm hàng hóa khác nói chung.
Xây dựng nguồn tin từ chính doanh nghiệp, người tiêu dùng
Năm 2025, công tác quản lý thị trường tiếp tục tập trung vào hoạt động kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua việc nâng cao hoạt động của Phòng Nghiệp vụ, tăng chất lượng tham mưu và tính chủ động trong xử lý, hoạt động.
Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, để công tác quản lý thị trường, trong đó có hoat đạt hiệu quả cao hơn nữa, phải có những giải pháp đột phá, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Ông Trần Hữu Linh yêu cầu, cùng với việc hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp trong công tác phòng chống hàng giả, Quản lý thị trường phải phát huy tinh thần dẫn dắt, tiên phong, chủ động định hướng người tiêu dùng, doanh nghiệp trong công tác phối hợp, phòng chống hàng giả.
Làm được điều đó, Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
![]() |
Phát huy vai trò của Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả, cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế những đặc điểm nhận diện hàng thật, hàng giả. Ảnh: Hoàng Giang |
Song song với công tác kiểm tra, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Một trong những giải pháp để thu thập phản ánh hiệu quả đó là việc đẩy mạnh, tuyên truyền sâu rộng số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tin báo từ người tiêu dùng thông qua số điện thoại: 1900.888.655.
Số điện thoại đường dây nóng 1900.888.655 đã được Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (trước kia là Tổng cục Quản lý thị trường) niêm yết công khai trên website của đơn vị từ năm 2019. Sau khoảng 6 năm, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 2.050 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh từ người tiêu dùng.
Trong đó, số tin báo có đủ căn cứ để tiếp nhận, kiểm tra xác minh là 121 tin báo. Số thông tin đã xác minh, xử lý là 86 tin báo (chiếm 71%). Số thông tin đang tiếp tục kiểm tra, xác minh là 35 tin báo (chiếm 29%).
Như vậy, đường dây nóng không chỉ là “kênh thông tin hai chiều” giữa người tiêu dùng với cơ quan chức năng, mà còn trở thành một trong những công cụ giám sát thị trường hiệu quả trong bối cảnh hàng giả, hàng lậu vẫn len lỏi vào thị trường bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Ngoài ra, góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong công tác phòng, chống hàng giả, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đang nỗ lực phát huy vai trò của Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả tại số 62 Tràng Tiền (Hà Nội), với mục tiêu xây dựng nơi đây thành địa chỉ uy tín, cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế những đặc điểm nhận diện hàng thật, hàng giả.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của công tác quản lý thị trường đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, của doanh nghiệp kinh doanh chân chính; hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để giữ chân và thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. |