Vừa hết đình chỉ giao dịch, cổ phiếu KDM đã manh nha nổi sóng

21/03/2023 - 17:22
(Bankviet.com) Được biết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu KDM của Tập đoàn GCL ra khỏi diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 13/3...

Phiên giao dịch đầu tiên (13/3) sau 6 tháng bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu KDM của Công ty CP Tập đoàn GCL đã giảm 800 đồng (giảm 8,08%) xuống còn 9.100 đồng/cp với khối lượng giao dịch gần 270.000 đơn vị.

Vừa hết đình chỉ giao dịch, cổ phiếu KDM đã manh nha nổi sóng
Cổ phiếu KDM của Tập đoàn GCL ra khỏi diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 13/3

Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, cổ phiếu này quay đầu tăng giá trở lại, trong đó ghi nhận tăng trần 4 phiên liên tiếp (15/3 – 20/3), đưa thị giá tăng đến 45,6% (từ 9.200 đồng/cp lên 13.400 đồng/cp). Tuy nhiên, thanh khoản ở những phiên tăng này lại giảm xuống còn trung bình 55.000 đơn vị/phiên.

Được biết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu KDM của Tập đoàn GCL ra khỏi diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 13/3 do công ty đã thực hiện công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2022 và Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán và không vi phạm quy định về công bố thông tin trong vòng 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch.

Trước đó, giữa tháng 9/2022, cổ phiếu KDM bị đình chỉ giao dịch do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cụ thể công ty chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên có soát xét 2022.

Sau đó, GCL đã có báo cáo, giải trình vấn đề chậm nộp Báo cáo tài chính năm 202 là do trong giai đoạn chốt báo cáo Ban lãnh đạo và nhân sự Phòng Tài chính - Kế toán của công ty bị nhiễm Covid-19 do đó không có nhân sự để kịp thời hoàn tất báo cáo.

Liên tục đổi tên sau khi niêm yết HNX

Theo tìm hiểu, tiền thân Công ty CP Tập đoàn GCL là công ty TNHH Long Thành được thành lập và hoạt động từ ngày 1/6/2009 với số vốn điều lệ là 16 tỷ đồng, hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm sản xuất gạch, bê tông; dịch vụ vận tải; và thi công công trình xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Ngày 29/3/2016, cổ phiếu KDM chính thức được giao dịch trên HNX với mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cp. Thời điểm đó, công ty có tên là Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Long Thành. Tháng 8/2017, công ty đổi tên thànhCông ty Cổ phần Đầu tư HP Việt Nam.

Tháng 12/2020, công ty đổi tên mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Lê Gia. Tháng 4/2021, Tập đoàn Đầu tư Lê Gia được đổi sang tên mới làCTCP Tổng công ty Phát triển khu đô thị Dân cư mới. Cái tênTập đoàn GCL được đổi vào cuối tháng 7/2022.

Như vậy, công ty đổi tên 4 lần kể từ khi lên sàn. Mặc dù liên tục đổi tên, công ty không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu cổ đông. Hiện không có tổ chức nào giữ vai trò cổ đông lớn trong công ty.

Thông tin thêm liên quan đến cổ phiếu KDM, một cá nhân từng bị xử phạt vì thao túng giá. Tháng 9/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Minh Tú (địa chỉ: quận Long Biên, TP Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng do sử dụng 32 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu KDM của CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành trong thời gian 29/3/2016 - 17/4/2017.

Theo kết luận từ UBCKNN, kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Hoàng Minh Tú.

Trong khoảng thời gian cá nhân này thao túng giá cổ phiếu KDM, giá của cổ phiếu này có đã tăng từ 5.500 đồng/cp (ngày 11/7/2016) lên 16.900 đồng/cp (ngày 12/1/2017), tương đương tỷ lệ tăng hơn 300%.

Trong hai phiên giao dịch ngày 11 – 12/1/2017, cổ phiếu KDM tăng kịch trần lên lần lượt 15.400 đồng/cp và 16.900 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh gần 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương gần 50% tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty tại thời điểm đó. Cổ phiếu KDM sau đó có chuỗi ‘nằm sàn’ xuống mức giá thấp lịch sử.

Vừa hết đình chỉ giao dịch, cổ phiếu KDM đã manh nha nổi sóng
Diễn biến giá cổ phiếu KDM từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh, Tập đoàn GCL gần như chỉ hòa và lỗ trong ba năm gần đây. Cụ thể, GCL có lãi 42 triệu đồng trong năm 2020 và chuyển thành lỗ ròng 252 triệu đồng năm 2021 và hơn 3,1 tỷ đồng năm 2022.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2022, Tập đoàn GCL báo doanh thu gần 36,9 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 3,2 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của công ty đạt gần 44 tỷ đồng (gấp đôi doanh thu năm 2021 và thực hiện 110% kế hoạch) và lỗ sau thuế hơn 3,1 tỷ đồng.

Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 có sự chênh lệch quá 10% so với cùng kỳ năm trước đó, GCL cho biết công ty ghi nhận hoạt động kinh doanh thép tích cực, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động không nhiều so với quy mô doanh thu.

Tuy nhiên, công ty ghi nhận khoản chi phí tài chính âm hơn 5 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 3,2 tỷ đồng (tương đương giảm 38.210% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhận định chứng khoán ngày 21/3/2023: Rủi ro mở rộng quán tính giảm điểm

Ảnh hưởng từ thông tin tiêu cực của kinh tế thế giới, VN-Index tiếp nối đà giảm dưới áp lực bán từ đầu phiên, lui ...

Nhận định chứng khoán ngày 21/3/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 21/3/2023. Tạp ...

Ông Hoàng Văn Thu được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch UBCKNN

Chiều nay (20/03/2023), tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán