Tự doanh trở thành điểm sáng của HSC giữa lúc margin "đụng trần"

21/07/2025 - 07:23
(Bankviet.com) Không thể mở rộng margin do vướng thủ tục tăng vốn, một công ty chứng khoán lớn đã lựa chọn kênh tự doanh để giữ nhịp tăng trưởng và bắt sóng thị trường đúng thời điểm.
Tự doanh

Tự doanh trở thành điểm sáng của HSC giữa lúc margin "đụng trần"

Nhật Linh 20/07/2025 21:55

Không thể mở rộng margin do vướng thủ tục tăng vốn, một công ty chứng khoán lớn đã lựa chọn kênh tự doanh để giữ nhịp tăng trưởng và bắt sóng thị trường đúng thời điểm.

Sức ép từ dư nợ cho vay sát trần buộc Công ty CP Chứng khoán TP. HCM (HOSE: HSC) phải xoay trục sang tự doanh. Với các vị thế lớn tại TCB, FPT, MWG…, công ty chứng khoán này đang thể hiện chiến lược đầu tư chủ động trong nửa đầu 2025.

hsc.jpg
Mảng tự doanh trở thành động lực tăng trưởng chính của HSC

HSC vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với điểm nhấn không nằm ở lợi nhuận ròng, mà ở danh mục tự doanh được mở rộng đáng kể. Trong bối cảnh dư nợ cho vay margin tiệm cận giới hạn pháp lý, HSC đã linh hoạt tái cơ cấu dòng vốn, tập trung mạnh vào đầu tư cổ phiếu.

Cụ thể, tính đến cuối quý II, tổng giá trị danh mục cổ phiếu tự doanh của HSC đạt 3.545 tỷ đồng – tăng hơn 1.400 tỷ đồng chỉ sau một quý. So với con số gần như đi ngang của dư nợ margin (khoảng 20.000 tỷ đồng), mức tăng này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong chiến lược sử dụng vốn của công ty.

Các vị thế chủ lực trong danh mục tự doanh gồm:

  • TCB là mã được giải ngân mạnh nhất, với tổng giá trị nắm giữ hơn 1.211 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng so với cuối quý I.
  • FPT được mua lại hơn 870 tỷ đồng sau khi đã bán ra phần lớn trong quý trước.
  • Ngoài ra, MWG, STB, HPG cũng được bổ sung hàng trăm tỷ đồng mỗi mã.

Đáng chú ý, phần lớn các khoản đầu tư tự doanh của HSC đều đang có lãi nhẹ tính đến cuối quý II, phản ánh hiệu quả bước đầu từ chiến lược “bắt đáy” khi thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 4.

Tự doanh nổi lên như một lựa chọn buộc phải linh hoạt, trong bối cảnh dư địa cho vay margin đã chạm ngưỡng. Theo quy định, các công ty chứng khoán chỉ được phép sử dụng tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu cho hoạt động cho vay ký quỹ. Với vốn chủ sở hữu hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay của HSC đã gần đạt giới hạn này.

Danh mục tự doanh của HSC
Danh mục tự doanh cổ phiếu của HSC tính đến cuối quý II/2025

Công ty đang trong quá trình tăng vốn điều lệ từ 7.200 tỷ lên gần 10.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 2.519 tỷ sẽ được phân bổ cho hoạt động cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, tiến độ phát hành bị chậm do cổ đông lớn HFIC chưa hoàn tất thủ tục. HSC mới đây đã xin gia hạn thời gian phân phối cổ phiếu tăng vốn đến ngày 30/9/2025.

Do đó, trong ngắn hạn, biên cho vay margin gần như đã kín, khiến công ty phải tìm kiếm động lực tăng trưởng từ các kênh khác – mà tự doanh đang là tâm điểm.

Bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm của HSC cho thấy sự phân hóa giữa doanh thu và lợi nhuận. Công ty đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 419 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Con số này cũng tương đối thấp nếu so với nhiều công ty chứng khoán có thị phần môi giới nhỏ hơn như SHS hay VIX.

Riêng trong quý II, doanh thu hoạt động của HSC đạt 1.073 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%. Mảng cho vay và phải thu tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 500 tỷ đồng, kế đến là tự doanh với 335 tỷ và môi giới đóng góp 233 tỷ đồng. Dù doanh thu cho vay tăng, nhưng chi phí hoạt động tăng 33% khiến lợi nhuận ròng quý II giảm 39% còn 192 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của HSC đạt gần 35.000 tỷ đồng – tăng 3.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, danh mục tự doanh cổ phiếu tăng mạnh 5.100 tỷ đồng, đạt gần 13.100 tỷ đồng. Ngược lại, cho vay và phải thu giảm nhẹ xuống khoảng 19.800 tỷ đồng.

Sự nổi lên của tự doanh không chỉ là lựa chọn chiến thuật mà còn là giải pháp “né trần” margin trong bối cảnh vốn chủ sở hữu chưa kịp mở rộng. Diễn biến này đồng thời thể hiện khả năng thích nghi và chuyển trục đầu tư nhanh nhạy của một trong những CTCK hàng đầu thị trường.

Nhật Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán