“Vua sá xị” một thời cầu viện Sabeco rót vốn cứu nguy

21/04/2025 - 17:36
(Bankviet.com) Từng được mệnh danh là “vua sá xị” miền Nam, Nước giải khát Chương Dương vừa bổ sung tờ trình vay 110 tỷ đồng từ công ty mẹ Sabeco để xoay dòng tiền sau 4 năm kinh doanh thua lỗ.
Chuyển động

“Vua sá xị” một thời cầu viện Sabeco rót vốn cứu nguy

Thu Hà 21/04/2025 14:17

Từng được mệnh danh là “vua sá xị” miền Nam, Nước giải khát Chương Dương vừa bổ sung tờ trình vay 110 tỷ đồng từ công ty mẹ Sabeco để xoay dòng tiền sau 4 năm kinh doanh thua lỗ.

Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (UPCoM: SCD) vừa bổ sung tờ trình xin cổ đông thông qua khoản vay từ công ty mẹ – Tổng Công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB), với tổng giá trị dự kiến 110 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động trong giai đoạn 2025–2026.

Chương Dương
Ban lãnh đạo Nước giải khát Chương Dương dự báo khả năng lỗ thêm khoảng 80 tỷ đồng trong năm 2025

Theo nội dung tài liệu phục vụ Đại hội cổ đông thường niên 2025, Chương Dương cho biết đang đối mặt với nhiều áp lực tài chính do hoạt động kinh doanh chưa phục hồi sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp. Từ năm 2021 đến nay, công ty liên tục ghi nhận kết quả âm, một phần đến từ chi phí di dời nhà máy về Nhơn Trạch (Đồng Nai), sự thay đổi bộ máy lãnh đạo và hiệu suất chưa như kỳ vọng tại dự án cho thuê nhà xưởng ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương).

Tuy nhiên, yếu tố khiến dòng tiền gặp khó khăn nhất trong năm 2025 chính là chi phí thuê đất tăng vọt, sau khi các quy định mới về đất đai chính thức áp dụng từ tháng 8/2024. Tổng chi phí thuê đất trong ba năm qua đã vượt 105 tỷ đồng và dự kiến riêng năm 2025 sẽ lên tới 48,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng doanh thu 42% trong năm 2025, Chương Dương dự báo cần bổ sung khoảng 45 tỷ đồng dòng tiền trong năm nay và thêm 15 tỷ đồng cho năm sau. Trong kịch bản thận trọng hơn – nếu thị phần nước giải khát chỉ tăng 29% và công suất khai thác kho Mỹ Phước duy trì ở mức 51% – nhu cầu vốn có thể lên tới 65 tỷ đồng trong năm 2025 và 45 tỷ đồng năm 2026. Các thời điểm cần tiền chủ yếu rơi vào tháng 5 và tháng 10 – thời điểm công ty phải thanh toán tiền thuê đất định kỳ.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất vay Sabeco số tiền tương ứng với phương án dự phòng, với tổng giá trị 110 tỷ đồng, chia làm tối đa 2 đợt giải ngân/năm. Khoản vay này sẽ là vay tín chấp, lãi suất theo thỏa thuận.

Trong năm 2024, Chương Dương ghi nhận doanh thu 183 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước nhưng vẫn lỗ gần 66 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm đã lên tới hơn 266 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị âm hơn 77 tỷ đồng. Vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD, do công ty vi phạm quy định về thua lỗ kéo dài và âm vốn chủ sở hữu. Hiện cổ phiếu này đã chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.

scd.png
Kết quả kinh doanh của Nước giải khát Chương Dương các năm gần đây

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng lên 260 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 42%, sản lượng bán hàng tăng 38%. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn dự báo khả năng lỗ thêm khoảng 80 tỷ đồng.

Chương Dương hiện là công ty con chuyên sản xuất nước giải khát của Sabeco, với tỷ lệ sở hữu 62,06%. Doanh nghiệp này từng là biểu tượng trong ngành nước giải khát miền Nam với sản phẩm sá xị huyền thoại từ thập niên 1950, khi còn là nhà máy Usine Belgique của tập đoàn B.G.I (Pháp).

Hiện sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu không đạt kỳ vọng trong khi chi phí đầu tư, vận hành và thuê đất không ngừng gia tăng, gây áp lực lớn lên dòng tiền.

Theo ban lãnh đạo công ty, thị trường nước giải khát Việt Nam năm 2024 đạt quy mô hơn 8,7 tỷ USD và chứng kiến nhiều thay đổi trong xu hướng tiêu dùng – từ chuyển dịch sang sản phẩm ít đường, tự nhiên, đến đòi hỏi về bao bì tái chế và cá nhân hóa hương vị – các doanh nghiệp trong ngành theo đó buộc phải thay đổi nếu muốn bắt kịp thị hiếu. Chương Dương, với hệ thống sản phẩm truyền thống và nền tảng sản xuất cũ, đang đứng trước thách thức lớn trong quá trình tái cấu trúc và phục hồi.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán