Vướng mắc nào đang cản trở tiến độ 3.000 km cao tốc?

30/03/2025 - 05:30
(Bankviet.com) Một số dự án cao tốc vẫn gặp khó khăn, đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp mỏ, dẫn đến tiến độ bị chậm.
Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc Thủ tướng Chính phủ: Phải thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc

Chiều 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn.

Cuộc họp có sự tham gia của các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các địa phương có dự án cao tốc đi qua tham dự trực tuyến.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Động thái quyết liệt của Chính phủ

Mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025 hiện đang được triển khai qua 28 dự án, với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Trong đó, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện 17 dự án dài 889 km, còn lại 11 dự án dài 299 km do các địa phương triển khai.

Hai dự án lớn khác là Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 93 km và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) dài 43 km, dù có kế hoạch hoàn thành năm 2026, nhưng các tỉnh đã cam kết hoàn thành trước 31/12/2025.

Thời gian qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã dành nhiều thời gian chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cơ chế, thủ tục hành chính, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng tốc trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp mỏ vật liệu.

Mặc dù hầu hết các dự án đều bám sát kế hoạch, một số dự án vẫn gặp khó khăn, đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp mỏ, dẫn đến tiến độ bị chậm.

Lãnh đạo các địa phương có dự án cao tốc đi qua dự họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu các địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo các địa phương có dự án cao tốc đi qua dự họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu các địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra do các Phó Thủ tướng làm trưởng đoàn, cùng các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.

Các đoàn đã làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương, đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời yêu cầu các địa phương cam kết hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ đã đề ra. Các đoàn kiểm tra còn yêu cầu các chủ đầu tư đẩy mạnh thi công, bảo đảm chất lượng công trình, nhằm hoàn thành các dự án vào cuối năm 2025.

Những dự án đang dần về đích

Báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng và ý kiến tại cuộc họp cho biết, các đoàn kiểm tra đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chủ quản và địa phương trong việc triển khai các dự án cao tốc.

Các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng và cấp mỏ vật liệu xây dựng, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi nhận chỉ đạo từ các đoàn kiểm tra, nhiều dự án đã có sự chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp mỏ vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án lớn như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Hữu Nghị - Chi Lăng, và Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Về vấn đề nguồn vốn, Bộ Tài chính đã rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí nguồn vốn cho các dự án như Tuyên Quang - Hà Giang và Cao Lãnh - An Hữu. Các đoàn kiểm tra đã đánh giá khả năng hoàn thành của 28 dự án với tổng chiều dài 1.188 km, chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1, gồm 18 dự án dài 897 km, đã vượt qua các khó khăn lớn và đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2025, với các dự án như Bến Lức - Long Thành và Vân Phong - Nha Trang dự kiến được đưa vào khai thác vào cuối tháng 4/2025.

5 dự án với tổng chiều dài 278 km đang được tập trung giải quyết các tồn tại, tích cực thi công để phấn đấu thông xe vào ngày 30/9. 8 dự án còn lại, đang được các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức triển khai thi công khoa học, để quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025.

Nhóm 2 , gồm 10 dự án dài 291 km vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng, nhưng đã có sự chuyển biến tích cực sau các chỉ đạo từ đoàn kiểm tra. Các chủ đầu tư và nhà thầu cam kết tiếp tục nỗ lực triển khai thi công, quyết tâm hoàn thành các dự án đúng tiến độ, với mục tiêu thông xe tuyến chính vào cuối năm 2025.

Giai đoạn 2000-2021, cả nước đã đầu tư, đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc; mục tiêu tăng lên 3.000 km vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030.

Theo kế hoạch này, trong 9 năm từ 2021 đến 2030, số km cao tốc phải đầu tư xây dựng gấp gần 4 lần hơn 20 năm qua.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương