Theo báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 13/3, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo đạt 6,3% trong năm 2023. Đáng chú ý, WB cho rằng không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB - Ảnh: VGP/HT
Nhiều áp lực ảnh hưởng tăng trưởng
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB phân tích, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.
Do tác động trong nước và bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động từ hậu COVID-19 giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi việc thực hiện một phần Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022-2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt - phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa - sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
Các chuyên gia của WB cho rằng, rủi ro với triển vọng tăng trưởng nhìn chung cân bằng. Tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu - có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu. Khả năng lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, người tiêu dùng trong nước và do những cải cách chưa hoàn thiện. Những thách thức trong quá trình thực hiện cũng có thể cản trở việc thực hiện chương trình đầu tư công theo kế hoạch. Mặt khác, triển vọng tăng trưởng được cải thiện ở Trung Quốc, Mỹ hoặc EU và nhu cầu toàn cầu mạnh hơn dự kiến có thể giúp tăng xuất khẩu và do đó tăng trưởng cao hơn dự báo cơ sở.
WB khuyến nghị những khó khăn ở trong và ngoài nước đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo.
Trong đó, bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, giám sát chắc khu vực tài chính. Các yếu tố thuận lợi gồm: Việc phục hồi tăng trưởng toàn cầu có thể nhanh hơn dự kiến và nâng xuất khẩu, vì vậy tăng trưởng có thể cao hơn dự tính cơ sở.
Nắm bắt xu hướng tăng trưởng mới
Bên cạnh dự báo về tăng trưởng, chuyên đề đặc biệt của WB về khu vực dịch vụ của Việt Nam chỉ ra 4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng để khu vực này đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng. Để có thể hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều đó bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp. Chuyên gia của WB nhấn mạnh, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, năng suất lao động cũng đang tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philippines và Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu của những lĩnh vực dịch vụ giàu hàm lượng tri thức và đòi hỏi kỹ năng cao, được gọi là "dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu", chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Trong khi, các lĩnh vực đó chỉ đóng góp 6,4% việc làm trong toàn khu vực dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin-truyền thông, tài chính và dịch vụ hành nghề chuyên môn, là những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất bao gồm quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, những rào cản về thương mại dịch vụ, tỉ lệ áp dụng công nghệ thấp, thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác. Điều đó cho thấy còn nhiều điều cần được cải thiện thông qua các hành động chính sách phù hợp. Để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực này, Việt Nam cần cân nhắc các giải pháp như: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước; khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động và cán bộ quản lý; tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.
Về vấn đề FDI suy giảm, chuyên gia của WB cho rằng, trong vài năm qua, các cam kết FDI đều giảm trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng điểm hứa hẹn là việc triển khai thực hiện các nguồn vốn đã cam kết FDI tăng nhiều trong năm ngoái, để hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn.
Vị chuyên gia cao cấp của WB khuyến nghị, thời gian tới khi phấn đấu thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao, Việt Nam cần hướng tới thu hút FDI có tri thức đổi mới sáng tạo, không chỉ làm gia công mà phải chuyển giao công nghệ, từ đó mới mang tính đột phá giúp tăng năng suất, đổi mới sáng tạo...
Chuyên gia WB cho hay, ngày 19/3 tới sẽ diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, là nơi tập hợp các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại đó, các doanh nghiệp sẽ trao đổi về các chủ đề như: Làm sao giảm bớt lượng khí thải carbon, sản xuất xanh hơn. Do đó, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần quan tâm xu hướng tiêu dùng tại các nước châu Âu, Hoa Kỳ, chú ý dấu vết carbon các hàng xuất khẩu phải thấp. Do đó, hàng sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo sẽ cần được ưu tiên hơn là sử dụng nhiệt điện.
"Việt Nam đang phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên, có vấn đề trong việc đưa lên lưới truyền tải cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu, cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ đầu tư công trong lĩnh vực này", chuyên gia của WB nói.
Lạc quan về triển vọng, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. WB gợi ý thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả. Tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.
Phân tích thêm các nội dung thời sự liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản ở Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp của WB đánh giá cao sự linh hoạt của Chính phủ để ứng phó với những bất ổn của thị trường. "Trong bối cảnh khó khăn, quan trọng là lấy lại niềm tin thị trường, từ đó thị trường phục hồi dần. Trong vài tháng qua có các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan chức năng như tăng dư địa tín dụng, tạo điều kiện để đàm phán... Về lâu dài, cần giải quyết những điểm yếu, có chế tài với các hành vi sai, bảo vệ các nhà đầu tư đúng cách. Nhà đầu tư cần hiểu rõ đã đầu tư là có rủi ro và phải chịu trách nhiệm. Quan trọng là các thông tin trong lĩnh vực đầu tư phải có sẵn, minh bạch, cần thiết lập chặt chẽ kỷ luật công bố thông tin, bảo đảm hệ thống có "sức khỏe" tốt, lành mạnh, có chế tài và xử phạt nghiêm minh các hành vi sai trái", ông Ketut Ariadi Kusuma nói. |
Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn