Theo báo cáo, sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện trong tháng 5. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 2,6% so với tháng trước. Mức tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như máy móc và thiết bị tăng 9,8% so với tháng trước, máy tính và sản phẩm điện tử tăng 2,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 8,9% so với mức 0,5% vào tháng 5/2023, do xuất khẩu mạnh hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm ngoái.
Trong khi đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế biến chế tạo vẫn duy trì ở mức 50,3 trong tháng 5. Chuyên gia của WB dự báo, số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, báo hiệu việc mở rộng sản xuất nhanh hơn trong những tháng tới.
Cũng theo WB, doanh số bán lẻ có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Cụ thể, trong tháng 5/2024, doanh số bán lẻ tăng 1,1% so với tháng trước nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa được cải thiện. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 4/2024 là giảm 0,3% so với tháng trước. Doanh số bán hàng hóa (khoảng 80% tổng doanh số bán lẻ) tháng 5/2024 đạt mức tăng trưởng 1,2% so với tháng trước, so với mức 0,5% trong tháng 4. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3,3% trong khi tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 8,1% so với cùng kỳ tháng 5/2022, phản ánh cầu tiêu dùng yếu kéo dài.
Đáng chú ý, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh trong tháng 5. Xuất khẩu hàng hóa tăng 6,5% so với tháng trước nhờ các sản phẩm công nghệ cao, trong khi tháng 4 ghi nhận mức giảm so với tháng 3. Đồng thời, nhập khẩu trong tháng 5 tăng 9,5% so với tháng trước, so với mức giảm 0,6% trong tháng 4. So với cùng kỳ năm 2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng khá lớn, lần lượt là 15,8% và 29,9% trong tháng 5/2024, một phần do hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm 2023. Tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu dẫn đến thặng dư thương mại giảm trong tháng 5, nhưng cũng báo hiệu nhu cầu xuất khẩu tăng.
Một điểm sáng khác trong bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua được WB chỉ ra là FDI tiếp tục ổn định, Cam kết FDI đạt 11,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2023, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân FDI lũy kế cũng đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chế biến/chế tạo và bất động sản vẫn là hai lĩnh vực vẫn duy trì là những ngành thu hút được nhiều FDI nhất.
Mặt khác, trong khi lạm phát toàn phần không thay đổi, lạm phát cơ bản có giảm nhẹ. Lạm phát CPI tháng 5 ghi nhận mức 4,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tháng 4. Mặc dù giao thông vận tải (bao gồm cả giá xăng dầu) tiếp tục tăng tỷ trọng đóng góp vào CPI nhưng thực phẩm và nhà ở vẫn là những yếu tố chính. Lạm phát cơ bản trong tháng 5/2024 giảm nhẹ xuống còn 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) từ mức 2,7% của tháng 4.
Báo cáo cũng để cập đến câu chuyện tỷ giá biến động và chịu áp lực thời gian qua. Theo đó, tỷ giá thị trường VND/USD tăng 8% so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 5/2024. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ lên 4,3% trong tháng 5, so với mức 4% trong tháng 4 phản ánh chính sách thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo quan sát của WB, trong khi nguồn thu tiếp tục được cải thiện thì chi tiêu công lại chậm lại. Thu ngân sách tăng lên trong tháng 5, đạt 898,4 nghìn tỷ đồng (52,8% dự toán) và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu công chậm lại và đạt khoảng 656,7 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2024, bằng 31% dự toán, chỉ cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân đầu tư công ước đạt 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Về các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước, Chính phủ đề xuất một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Cụ thể, để hỗ trợ tiêu dùng, ngày 23/4/2024, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian ưu đãi giảm thuế VAT đến hết năm 2024 thay vì đến hết tháng 6/2024. Để khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 4462/NHNN-CSTT ngày 30/5/2024 đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu để hạ lãi suất cho vay 1-2%.
Bên cạnh những điểm sáng đáng ghi nhận, chuyên gia WB cũng chỉ ra một số điểm cần theo dõi đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong khi cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn.
“Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư”, WB khuyến nghị.
Q.L