Văn hóa kinh doanh được hiểu là hệ thống giá trị, các chuẩn mực và triết lý kinh doanh; là văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiêp, đạo đức kinh doanh và ứng xử kinh doanh.
Với ý nghĩa đó, việc các doanh nghiệp nói chung và các Ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng xây dựng văn hóa kinh doanh tốt không chỉ là yêu cầu trong công tác quản trị, quản lý và thực hiện chiến lược kinh doanh mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh “mềm” không giới hạn và là nền tảng để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong quá trình này, việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người và tạo ra tinh thần doanh nghiệp, với hệ thống giá trị về đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử và giao tiếp, cũng như tạo lập môi trường để mỗi cá nhân phát triển, sẽ là động lực to lớn thúc đẩy các NHTM tăng trưởng và phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện các NHTM đã và đang chủ động tham gia vào cuôc cách mạng công nghiệp 4.0, với các chương trình kế hoạch phát triển ngân hàng số và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Con người sẽ là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình này đối với ngành ngân hàng nói chung và mỗi NHTM nói riêng.
Theo đó, các Ngân hàng cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xây dựng và thực hành văn hóa kinh doanh tốt. Trong đó lấy việc tạo điều kiện phát triển toàn diện con người làm yếu tố trung tâm trong các chương trình kế hoạch về phát triển của đơn vị. Có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngân hàng, yêu cầu về phát triển ngân hàng số và đổi mới ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại;
Thứ hai, xây dựng và tạo lập môi trường làm việc; cơ chế chính sách đãi ngộ và khuyến khích động viên, trong đó mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng luôn tự hào được làm việc tại đơn vị, gắn với thương hiệu ngân hàng. Điều này nếu thực hiện được sẽ là động lực to lớn để cán bộ nhân viên ngân hàng làm việc hiệu quả, năng suất và sáng tạo.
Đại dịch COVID-19, đã tác động và ảnh hưởng khó khăn lớn đến hoạt động ngân hàng, song cũng từ đây xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới và phát triển tại một số NHTM: vừa duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội, vừa tăng trưởng và phát triển, với những phương thức quản lý điều hành linh hoạt, sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý để vượt qua đại dịch thành công.
Bên cạnh đó, khó khăn của đại dịch cũng đã thúc đẩy việc phối hợp, hỗ trợ và đoàn kết gắn bó của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng với nơi công tác, làm tăng tính gắn bó và tinh thần cống hiến của cán bộ nhân viên ngân hàng. Đây giá trị to lớn và là bài học kinh nghiệm quý báu cho các NHTM trong quá trình xây dựng và tạo lập giá trị doanh nghiệp.
Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của người lao động, của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng là yếu tố quan trọng, song yếu tố tinh thần, môi trường làm việc và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân cũng không kém phần quan trọng, là nền tảng để thu hút người lao động và trở thành yếu tố động lực to lớn cho sự cống hiến, cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn phát triển ngân hàng số, rất cần những con người giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và đam mê cống hiến để vận hành; để đào tạo, để đổi mới và sáng tạo. Trên cơ sở đó, đưa các chương trình, kế hoạch và chiến lược kinh doanh nói chung và phát triển ngân hàng số nói riêng của mỗi NHTM được triển khai và thực hiện hiệu quả.
Thứ tư, yếu tố doanh nhân trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh có ý nghĩa quyết định, tạo sự định hướng và khác biệt trong phát triển của NHTM, tạo nét đẹp riêng có cho mỗi NHTM và đặc biệt tạo sự lan tỏa, dẫn dắt và noi theo của tập thể cán bộ nhân viên tại đơn vị. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra giá trị doanh nghiệp. Vị vậy, lãnh đạo các NHTM, chủ tịch HĐQT và ban điều hành cần quan tâm xây dựng và tạo lập giá trị này, trở thành cốt cách và riêng có cho mỗi Ngân hàng. Thực tế, đã có nhiều thương hiệu Ngân hàng gắn liền với uy tín và giá trị doanh nhân, mang đậm yếu tố cá nhân của người chủ doanh nghiệp, với những tư tưởng tích cực, tiên tiến và nhân văn. Gía trị đó tạo ra sự tăng trưởng và phát triển bền vững đã được khẳng định trong quá trình phát triển của các NHTM này.
Với ý nghĩa như vậy, các NHTM cần quan tâm phát triển, xây dựng văn hóa kinh doanh lấy yếu tố con người làm trung tâm trong đổi mới và phát triển, sẽ tạo động lực to lớn cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Điều này cũng phù hợp và trở thành hành động cụ thể của ngành ngân hàng để thực hiện nghị quyết trung ương về xây dựng nền văn hóa Việt Nam, lấy yếu tố văn hóa làm nền tảng để phát triển kinh tế xã hội đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững và phồn thịnh.