Ngày 20/9, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 2 với phần xét hỏi các bị cáo liên quan quá trình phát hành trái phiếu "khống".
Trong vụ án, hàng loạt bị cáo bị xác định là đã hỗ trợ cho bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát trong việc phát hành trái phiếu “khống”. Những bị cáo này từng giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo tại nhiều đơn vị trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tại toà, ông Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Vạn Thịnh Phát, khai rằng từ năm 2013 đến 31/7/2020, chịu trách nhiệm về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính và soát xét hợp đồng thương mại với mức lương 230 triệu đồng/tháng.
Ông Phương thừa nhận cáo trạng cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan là đúng nhưng ông Phương cho rằng mình chỉ làm theo nhiệm vụ, sử dụng kiến thức chuyên môn để phối hợp phát hành trái phiếu. Ông Phương khẳng định mình không biết trái phiếu có thành công hay không và càng không biết nguồn tiền sau đó được sử dụng vào mục đích gì.
Ông Phương bày tỏ bất ngờ khi cơ quan điều tra xác định có hơn 33.000 người mua trái phiếu, vì ông Phương chỉ nghĩ số người mua là vài trăm người với tổng giá trị khoảng 100 - 200 tỷ đồng, chứ không ngờ con số lên tới gần 30.000 tỷ đồng như cáo trạng nêu. Ông Phương khẳng định không được hưởng lợi gì ngoài tiền lương hàng tháng.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Nguyệt Nhi). |
Bà Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh phát) là người tiếp theo bị thẩm vấn. Bà Tâm bị cáo buộc trực tiếp quản lý điều hành mọi hoạt động của văn phòng, chỉ đạo Phan Chí Luân làm việc với Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh về việc quản lý theo dõi danh sách, lập phương án hứa chuyển nhượng cổ phần làm căn cứ cho Công ty Điền Gia Cát và 8 cá nhân được thuê ký các chứng từ nộp, rút tiền khống để hợp thức dòng tiền cho Công ty Điền Gia Cát mua sơ cấp, giúp cho bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Tuy nhiên, bị cáo Tâm cho rằng chỉ nhận chỉ đạo từ bà Lan, Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) và Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) thực hiện việc thành lập một số công ty thuộc tập đoàn. Còn việc các công ty này thực tế làm gì cũng như việc ký các hợp đồng khống bà Tâm không nắm rõ.
Tại toà, Phan Chí Luân (nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), thừa nhận hành vi như cáo trạng. Luân khai, sau khi được Tâm giao việc liên quan đến việc thành lập các công ty "ma" đã liên lạc với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) để thực hiện. Ban đầu, bị cáo Luân không biết về vốn cũng như các công ty này có hoạt động hay không, về sau thấy có nhiều công ty không hoạt động.
Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) cho rằng cáo trạng nêu liên quan tới bị cáo là đúng. Ông Anh khai tại công ty, ông nhận thông tin chỉ đạo từ cấp trên, trong đó có bà Trương Mỹ Lan.
Về việc phát hành các lô trái phiếu, ông Anh khai khi dòng tiền được chuyển qua chuyển lại và chảy về Công ty Peninsula thì bị cáo sẽ phụ trách việc giải quỹ, chuyển tiền từ Peninsula cho các cá nhân khác.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Phương Anh đã phối hợp với các bị cáo khác lập các hợp đồng “khống” cho 3 Công ty do Nguyễn Phương Anh quản lý, đã nhận về tương đương 802,2 tỷ đồng và chuyển tiền đi nước ngoài với tổng số tiền tương đương 1.335 tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tổng số tiền tương đương 2.138 tỷ đồng.
Tại toà, Viện kiểm sát nêu ông Nguyễn Phương Anh có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhất, đó là: Quá trình điều tra, truy tố, ông Anh ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.
Ông Anh đã tự nguyện nộp 1,3 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả. Viện kiểm sát cũng ghi nhận ông Anh đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án...