Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vửa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn giả danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh hay hải quan yêu cầu người nhận thanh toán phí vận chuyển quà tặng có giá trị lớn.
Theo đó, nhóm của đối tượng Trần Minh Tuấn (trú ở tỉnh Tiền Giang, ở tại Campuchia) dùng tài khoản Facebook lấy tên người nước ngoài làm quen, hẹn hò qua mạng và hứa hẹn tặng quà cho người yêu ở Việt Nam.
Trong nhóm này, Trương Thị Mỹ Hằng (trú tại TP. Hồ Chí Minh) được phân công nhiệm vụ đóng giả nhân viên công ty chuyển phát, được chia 5% số tiền nạn nhân chuyển vào; Trương Thái Quý, em trai của Hằng được phân công thu mua các tài khoản của ngân hàng của nhiều người để bị hại chuyển tiền vào.
Quý đã tìm mua từ Dương Bảo Thống (trú tại Bình Thuận), Phạm Minh Thiện (trú tại TP. Hồ Chí Minh) nhiều tài khoản ngân hàng mang tên các cá nhân khác nhau. Quý mua vào tài khoản ngân hàng với giá 1,5 triệu đồng và bán lại cho nhóm Trần Minh Tuấn với giá 2,5 triệu đồng.
Cụ thể, nhóm của Tuấn dùng facebook giả lấy tên là Jame Sill, sống tại Anh, rồi làm quen với chị T. (30 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, làm nghề kinh doanh). Qua nhiều lần trò chuyện, chị T. được bạn trai ngoại quốc hứa tặng món quà đắt tiền.
Sau khi Tuấn cung cấp số điện thoại và thông tin cá nhân của chị T., Hằng giả làm nhân viên công ty chuyển phát, gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển 12,5 triệu đồng để thanh toán phí vận chuyển quà tặng có giá trị lớn. Tin lời nhóm lừa đảo, chị T. đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Quý cung cấp.
Đầu tháng 6/2020, Tuấn và Hằng tiếp tục dùng nhiều số điện thoại, gọi và nhắn tin yêu cầu chị T. chuyển thêm tiền để làm chi phí thông quan do kiện hàng liên quan đến hoạt động rửa tiền. Sợ bị liên lụy, nạn nhân đã nhiều lần chuyển cho nhóm của Tuấn hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 25/6/2020, chị T. không nhận được bưu phẩm và cho rằng bản thân bị lừa nên gửi đơn trình báo Công an quận Nam Từ Liêm. Sau khi thu thập chứng cứ, cảnh sát bắt giữ Hằng và Quý. Khi xác minh lai lịch của Trần Minh Tuấn và một số người liên quan, cơ quan điều tra thấy họ rời địa phương từ lâu, chưa rõ nơi đang cư trú nên tách tài liệu để xử lý sau.
Kết quả sao kê các tài khoản trong nước thể hiện, số tiền hơn 1 tỷ đồng được chuyển vào 3 tài khoản ngân hàng và đã được rút ra hoặc chuyển khoản vào nhiều tài khoản khác.
Cơ quan điều tra đã triệu tập các đối tượng là chủ tài khoản ngân hàng đã nhận tiền của nạn nhân trong vụ án này. Tuy nhiên, các đối tượng này hiện vắng mặt tại địa phương, chưa xác định được ở đâu. Cơ quan điều tra đã ra thông báo truy tìm nhưng chưa tìm được, vì vậy, Cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu xử lý sau.
Được biết, hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng là vi pham pháp luật. Điểm a Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán quy định: Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán. Điểm b Khoản 6 Điều 26 quy định phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.
Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Cụ thể, người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy tình tiết vi phạm tăng nặng. Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.