Nhận định này gắn liền với những phân tích sau:
Thứ nhất, sự điều chỉnh này nhằm đạt được mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế suy giảm tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đồng thời đồng đôla Mỹ tăng giá mạnh, trong khi đó nhiều đồng tiền mạnh (EURO, Yên Nhật, bảng Anh…và cả đồng nhân dân tệ) mất giá so với đô la Mỹ, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá cũng như lãi suất của NHNN là phù hợp với xu hướng này và hạn chế thấp nhất những tác động ảnh hưởng không tích cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế đất nước, khi mức độ hội nhập kinh tế và giao thương thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư của đất nước ngày càng sâu và rộng như hiện nay, với độ mở nền kinh tế lớn. Đây là sự điều chỉnh cần thiết, khách quan nhằm hướng đến và đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình mới.
Thứ hai. ở góc độ quản trị, việc lãi suất tăng và tỷ giá tăng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến doanh nghiệp. Song đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát quan trọng và là sự lựa chọn ưu tiên. Bởi lẽ, chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát mới bảo đảm giá trị của tăng trưởng, giá trị của sản xuất kinh doanh đem lại. Vì vậy, có thể phải hy sinh, chịu những khó khăn ngắn hạn nhưng để mang lại sự ổn định bền vững có giá trị to lớn hơn rất nhiều. Đây là cần thiết và là nền tảng để phục hồi và tăng trưởng ở mức cao hơn, bền vững hơn. Nhận diện như vậy để tất cả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả cơ quan quản lý nhà nước, các TCTD cùng hành động trách nhiệm trong thực thi chính sách, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của chính sách và kỷ cương kỷ luật thị trường, có như vậy mới phát huy hiệu quả chính sách lãi suất, tỷ giá, tín dụng của NHTW; từ đó tạo điều kiện để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ ba, sự điều chỉnh này của NHNN trong sử dụng công cụ tỷ giá, lãi suất sẽ mang lại sự ổn định bền vững hơn trong tình hình mới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 hành động cụ thể về: hỗ trợ doanh nghiệp, với việc triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; tín dụng chính sách và gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ; thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng; nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, với tinh thần trách nhiệm đồng hành cùng phát triển. Thực hiện tất cả những giải pháp này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực về lãi suất cho doanh nghiệp.
Khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn và khác với khủng hoảng kinh tế, bởi lẽ những khó khăn này xuất hiện do xung đột địa chính trị, do giá dầu mỏ và nguyên vật liệu tăng cao và sẽ dần được khắc phục khi lạm phát tại các nước và khu vực trên thế giới được cải thiện, kinh tế phục hồi trở lại. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện hiện nay.
Bài học kinh nghiệm quý báu từ những thời điểm khó khăn nhất, những giai đoạn khó khăn nhất, như: khủng hoảng; đại dịch…, các doanh nghiệp đều vượt qua, phục hồi và tăng trưởng. Bài học đó cần tiếp tục được phát huy và chuyển thành động lực để phát triển. Động lực đó, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hiện nay, các doanh nghiệp sẽ vượt qua, tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn từ chính nội lực và khát vọng phát triển đất nước.
Nguyễn Đức Lệnh