Keywords: Handling assets, movable estate, loan security, commercial banking, current situation, solutions.
1. Đặt vấn đề
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng chủ yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, là công cụ để các tổ chức tín dụng thu hút vốn tạm thời nhàn rỗi và cho vay số vốn này đến các chủ thể kinh tế cần thiết1. Xử lý động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay là biện pháp bảo đảm tiền vay, mục đích của việc áp dụng bảo đảm tiền vay là nhằm tạo thêm quyền cho các tổ chức tín dụng đối với khách hàng nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ luôn là công cụ pháp lý có tính chất dự phòng, nhưng quan trọng nhất để bảo toàn, thúc đẩy các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong đó, xử lý tài sản bảo đảm luôn là giải pháp cuối cùng mà cả bên cung ứng vốn và bên tiếp nhận vốn đều không mong muốn, nhưng buộc phải thực hiện để khắc phục, ngăn chặn những hệ quả tiêu cực do hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ gây ra2. Hiện nay, liên quan đến vấn đề xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM đã được ghi nhận, điều chỉnh như Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) và một số văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, so với bất động sản, cấp tín dụng nhận bảo đảm bằng động sản mặc dù có sự tăng trưởng nhất định nhưng vẫn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong hoạt động của các NHTM ở Việt Nam. Hai nguyên nhân cơ bản của điều này là: (i) Các động sản đa phần là tài sản không thuộc dạng phải đăng ký quyền sở hữu và có những đặc điểm riêng, có thể tạo ra một số rủi ro cho NHTM; (ii) Việc xử lý tài sản bảo đảm khoản vay để thu hồi nợ tại các NHTM không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với các tài sản bảo đảm là động sản vì dạng tài sản này tương đối dễ tẩu tán, chuyển dịch, hư hỏng. Có thể thấy rằng, dù hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm vẫn luôn là vấn đề nóng, khó thực hiện, phát sinh nhiều tranh chấp, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu minh thị và lúng túng trong thực thi pháp luật. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải làm rõ những hạn chế, bất cập trong việc xử lý tài sản là động sản trong hoạt động cho vay của NHTM và từ đó đưa ra được những giải pháp để khắc phục, hoàn thiện vấn đề này.
2. Tầm quan trọng của việc xử lý tài sản là động sản trong hoạt động cho vay của NHTM
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân cần phải bảo đảm các điều kiện về vốn. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có khả năng bảo đảm được ngay nguồn tài chính tự có, hoặc cũng có trường hợp một số chủ thể có năng lực tài chính nhưng vẫn muốn sử dụng nguồn vốn ngân hàng như là đòn bẩy tài chính để phát triển kinh doanh, do đó nhiều chủ thể sẽ lựa chọn phương án vay vốn tại các NHTM để bảo đảm nguồn vốn. Theo đó, để được vay vốn tại NHTM đòi hỏi các chủ thể phải có tài sản để bảo đảm các khoản vay của mình.
Theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trong đó, bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản3. Như vậy, với tư cách là một dạng tài sản, động sản có thể được sử dụng để bảo đảm cho các khoản vay tại NHTM nếu đáp ứng điều kiện do pháp luật quy định. Khi sử dụng tài sản là động sản để bảo đảm khoản vay nhưng trong trường hợp chủ thể vay vốn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng theo yêu cầu, lúc này ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản có ý nghĩa quan trọng đối với các NHTM - là bên cho vay trong việc hiện thực hóa lợi ích kinh tế từ bảo đảm động sản đối với các khoản nợ đã bị vi phạm. Đây còn là một biện pháp góp phần làm giảm nợ xấu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, việc xử lý tài sản là động sản cũng góp phần vào việc bảo đảm cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn và ổn định. Bởi nếu có sự thất thoát trong hoạt động tín dụng nào đó, dù chỉ ở một ngân hàng cũng sẽ đe dọa đến khả năng an toàn và ổn định của toàn hệ thống. Có thể thấy rằng, xử lý tài sản là động sản bảo đảm là vấn đề vô cùng quan trọng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bởi lẽ đây chính là biện pháp nhằm hạn chế rủi ro khi tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn. Việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm không phải là cái đích mà các bên trong quan hệ tín dụng ngân hàng mong muốn hướng tới, song trong điều kiện nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay thì có lẽ đây là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo toàn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp khách hàng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm tiền vay sẽ giúp ngân hàng có thể tránh được hậu quả cũng như có thể thu hồi vốn mà không phụ thuộc vào khách hàng có ý định thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay không4.
3. Thực trạng về xử lý tài sản là động sản trong hoạt động cho vay của NHTM
Hiện nay, việc xử lý tài sản là động sản dùng để bảo đảm cho khoản vay tại các NHTM được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, làm thế nào để việc xử lý động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay được thực hiện một cách hiệu quả trên cơ sở vừa bảo đảm được lợi ích của bên cho vay, vừa tuân thủ đúng theo quy trình thủ tục, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật để tránh sự tùy tiện trên cơ sở bảo vệ được lợi ích của các bên là việc không dễ dàng. Điều này đã và đang tạo ra nhiều khó khăn cho các chủ thể trong việc tiếp cận và thực hiện xử lý đối với động sản được sử dụng để bảo đảm khoản vay tại các NHTM. Sự khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến là những hạn chế, bất cập trong quy định và thực thi pháp luật về vấn đề xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Đó là:
Thứ nhất, các quy định về xử lý tài sản bảo đảm, trong đó có tài sản là động sản khó thực thi trên thực tế do chưa có đầy đủ các quy định hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Hiện nay, ở cấp độ luật, việc xử lý tài sản bảo đảm được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, Bộ luật này đã đưa ra các quy định về xử lý tài sản bảo đảm gồm: (i) Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; (ii) Bán tài sản cầm cố, thế chấp; (iii) Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iv) Định giá tài sản bảo đảm; (v) Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; (vi) Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm5. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào thực tiễn lại gặp không ít khó khăn vì hiện nay chưa có đầy đủ các quy định hướng dẫn cụ thể về những vấn đề này.
Thứ hai, việc thu giữ tài sản là động sản bảo đảm các khoản vay khi xử lý tài sản của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo quy định, bên nhận bảo đảm là người xử lý tài sản được quyền thu giữ tài sản để xử lý khi bên bảo đảm không hoàn tất các nghĩa vụ đặt ra, khi đó bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận theo thông báo về xử lý tài sản bảo đảm6. Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết7. Trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm và người giữ tài sản có trách nhiệm phối hợp với bên nhận bảo đảm thực hiện việc xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm8. Tuy nhiên, quy định là như vậy nhưng trên thực tế phần lớn việc thu giữ tài sản bảo đảm của các NHTM gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được khi bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, cản trở không bàn giao tài sản bảo đảm. Khi không thu giữ được tài sản bảo đảm thì các NHTM sẽ không xử lý được tài sản, thậm chí có nguy cơ vi phạm hợp đồng bán tài sản trong trường hợp đã bán tài sản nhưng bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản cho bên mua tài sản9. Bên cạnh đó, việc không thu giữ được tài sản là động sản bảo đảm sẽ khiến cho ngân hàng không thể xử lý được tài sản theo nguyên tắc thỏa thuận quy định tại Bộ luật Dân sự và thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm. Lúc này, ngân hàng buộc phải khởi kiện theo con đường tố tụng và yêu cầu thi hành án để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ làm cho ngân hàng bị kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm mà còn phát sinh thêm chi phí, gây ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng.
Thứ ba, việc thực hiện quyền định giá khi xử lý tài sản là động sản bảo đảm cho các khoản vay của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Định giá, giá bán khi xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay cũng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý tài sản và lợi ích của các bên. Với tư cách là bên nhận bảo đảm, mong muốn của các ngân hàng là xử lý tài sản bảo đảm nhanh với số tiền thu nợ từ xử lý tài sản cao nhất, tuy nhiên, trong thực hiện xử lý tài sản có hai trường hợp xảy ra trái ngược nhau không như mong muốn của ngân hàng, đó là: (i) Định giá bán (giá khởi điểm khi đấu giá) quá cao thì sẽ kéo dài việc bán tài sản; ngược lại định giá bán quá thấp gây thiệt hại cho ngân hàng. Đặc biệt, khi giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài, bên bảo đảm vẫn khai thác và hưởng lợi từ tài sản, mà ngân hàng thì không thể quản lý triệt để, trong khi đó giá trị tài sản suy giảm, chi phí vốn, xử lý tài sản tăng; (ii) Quy định và quá trình thực hiện định giá có nhiều kẽ hở dẫn đến việc xác định giá bán không sát giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân hàng. Theo quy định về pháp luật thi hành án, trường hợp bên được thi hành án và bên có tài sản thi hành án không thỏa thuận được giá khởi điểm đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành án được quyền chỉ định tổ chức có chức năng thẩm định giá. Như vậy, trong trường hợp này, ngân hàng gần như không có quyền gì về giá bán tài sản bảo đảm.
Thứ tư, việc thực hiện quyền chuyển nhượng khi xử lý tài sản là động sản gặp nhiều thách thức. Theo quy định, thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho bên mua được thực hiện ngay cả khi bên bảo đảm không hợp tác. Tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải bổ sung một bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực hiện nếu không có sự hợp tác của bên bảo đảm ký hợp đồng chuyển nhượng, thậm chí cả những trường hợp bên bảo đảm đã chết, không có di chúc về tài sản thì phải được người thừa kế theo pháp luật ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản10. Điều này làm cho các quyền của ngân hàng bị hạn chế, không được bảo vệ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm và nguyên tắc của Bộ luật Dân sự một cách tốt nhất. Lúc này, để bảo vệ quyền lợi của mình, bản thân của ngân hàng phải thực hiện thủ tục tố tụng và yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý tài sản là động sản được dùng để bảo đảm cho các khoản vay.
Thứ năm, việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm đối với trường hợp cầm cố, thế chấp để bảo đảm tiền vay của các tổ chức, cá nhân được thực hiện đối với các tổ chức tín dụng chưa được quy định cụ thể. Tại Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc quyền gắn liền với vật quyền (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản…) bảo đảm được quy định rất cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng đã quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (gồm 9 biện pháp được quy định tại Điều 292). Về cơ bản, các vấn đề về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp hiện nay mặc dù đã được quy định tại Điều 52 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, tuy nhiên các quy định này chưa thật sự đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản là động sản được dùng để bảo đảm cho các khoản vay.
Thứ sáu, Điều 50 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP cho phép ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm chết với điều kiện là nếu xác định được người thừa kế di sản đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản đang là tài sản bảo đảm thì ngân hàng phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này. Tuy nhiên, quy định này không đúng với tinh thần của khoản 2 và khoản 3 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại; còn trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, quy định về giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết nhưng chưa quy định thời điểm xử lý tài sản bảo đảm là thời điểm cá nhân bảo đảm chết hay vẫn phải thực hiện theo như hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Tức sẽ có những trường hợp cá nhân bảo đảm chết nhưng theo hợp đồng bảo đảm đã ký thì phải một thời gian dài sau đó bên nhận bảo đảm mới được quyền xử lý theo thời hạn xác định trong hợp đồng. Trong khi đó, tài sản bảo đảm được giao cho người thừa kế hoặc do người thừa kế hưởng thì sẽ không bảo đảm được quyền của bên nhận bảo đảm12. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP chưa quy định rõ nội dung này, dẫn đến một số khó khăn trong việc áp dụng và thực thi trên thực tế khi xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM.
4. Một số giải pháp hoàn thiện
Để khắc phục được những hạn chế, bất cập như đã phân tích nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm, bao gồm các quy định về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM. Trong đó, cần phải có các quy định hướng dẫn cụ thể trực tiếp đối với các vấn đề về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; bán tài sản cầm cố, thế chấp; nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; định giá tài sản bảo đảm; thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm… Khi những vấn đề này được quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng bằng các văn bản dưới luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết giúp các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và áp dụng các quy định này ở thực tế một cách hiệu quả, thống nhất, hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM.
Hai là, cần quy định chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với hành vi chây ỳ, không bàn giao tài sản của bên bảo đảm, bên quản lý tài sản, đồng thời cho phép các cơ quan thi hành án được tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản bảo đảm cho bên trúng đấu giá khi hoàn tất việc đấu giá tài sản theo quy định13. Việc quy định rõ điều này là rất quan trọng vì sẽ tạo được sự răn đe cần thiết đối với các chủ thể có ý định cố tình chây ỳ không chịu bàn giao tài sản là động sản bảo đảm các khoản vay để ngân hàng thực hiện việc xử lý... Bên cạnh đó, việc cho phép cơ quan thi hành án được tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản là động sản bảo đảm cho bên trúng đấu giá khi hoàn tất việc đấu giá tài sản cũng là cần thiết bởi điều này sẽ giúp khắc phục được tình trạng bên bảo đảm và các chủ thể liên quan không hợp tác, chống đối, cản trở không bàn giao tài sản bảo đảm.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện quy định về tần suất định giá, định giá lại tài sản bảo đảm là động sản trong hoạt động cho vay của NHTM. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền của ngân hàng không bị hạn chế và được bảo vệ theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự và thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm thì pháp luật cần tiếp tục quy định theo hướng tạo sự ràng buộc, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm yêu cầu bên bảo đảm thực hiện các thủ tục chuyển nhượng khi xử lý tài sản là động sản. Điều này không những phát huy được vai trò của cơ quan nhà nước trong việc duy trì trật tự đối với hoạt động vay, mà còn giúp bảo đảm được quyền lợi chính đáng của ngân hàng với tư cách là bên nhận bảo đảm.
Bốn là, cần quy định rõ các đặc quyền gắn liền với vật quyền bảo đảm, đó là các quyền theo đuổi tài sản, quyền ưu tiên lấy nợ trên tài sản của bất kỳ một chủ nợ nào. Các bên sẽ tự do thỏa thuận phương thức xử lý tài sản bảo đảm nếu không đạt được thỏa thuận, quyền xử lý sẽ thuộc về chủ nợ14. Pháp luật cần tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng xử lý tài sản, trong đó có tài sản là động sản, chẳng hạn như quy định về việc thực hiện phương thức bán, chuyển nhượng tài sản của tổ chức tín dụng để thu hồi nợ. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn về vấn đề xử lý tài sản được dùng để bảo đảm cho các khoản vay dưới dạng cầm cố, thế chấp, trong đó có việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm. Khi hành lang pháp lý được quy định đầy đủ, sẽ giúp các tổ chức tín dụng, trong đó có NHTM có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý đối với các tài sản là động sản được dùng để bảo đảm cho các khoản vay dưới dạng cầm cố, thế chấp. Bên cạnh đó, cần làm rõ thời điểm xử lý tài sản bảo đảm là thời điểm cá nhân bảo đảm chết hay vẫn phải thực hiện theo như hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Việc quy định này rất quan trọng vì sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ để giúp các chủ thể có thể xác định được thời điểm xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản vay, trong đó có tài sản là động sản, từ đó giúp cho việc xử lý này đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
Năm là, cần đẩy mạnh rà soát và xác định những khó khăn, hạn chế, bất cập gặp phải trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM. Từ đó làm cơ sở, căn cứ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh về vấn đề này. Như đã phân tích, hiện nay, khuôn khổ pháp luật điều chỉnh về xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM còn một số hạn chế, bất cập nhất định. Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh để khắc phục được những khó khăn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, giúp cho các bên cũng như cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc giải quyết về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay. Ngoài ra, để hạn chế những rủi ro và khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM, bên cạnh việc tiếp tục hoàn hiện các quy định pháp luật, bản thân các NHTM cũng phải hạn chế tài trợ đối với các dự án không ổn định, chứa đựng nhiều rủi ro, thông tin về pháp lý chưa rõ ràng; tăng cường công tác cảnh báo rủi ro và yêu cầu các đơn vị kinh doanh báo cáo về hiện trạng tài sản bảo đảm là động sản.
Sáu là, cần xây dựng hệ thống án lệ, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM. Theo đó, để có đủ công cụ pháp lý phục vụ cho hoạt động xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM, nhất là đối với những trường hợp pháp luật không quy định, hoặc quy định không rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, Tòa án nhân dân tối cao cần xây dựng hệ thống án lệ, văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền khác về tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và thi hành án dân sự cũng cần kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về bảo đảm tôn trọng cam kết, thỏa thuận của các bên liên quan đến vấn đề xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM, trừ khi thỏa thuận đó vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội15.
5. Kết luận
Việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM không chỉ mang lại lợi ích cho các NHTM mà còn đối với bên vay và toàn bộ nền kinh tế. Dưới góc độ pháp lý, hệ thống quy định pháp luật về xử lý tài sản là động sản bảo đảm cho các khoản vay rõ ràng, minh bạch, hợp lý sẽ là cơ sở vững chắc để các NHTM có thể an tâm thực hiện việc cấp tín dụng, giúp hạn chế tranh chấp, góp phần giảm nợ xấu. Ở góc độ bên vay, điều này có thể tối đa hóa được giá trị kinh tế của tài sản mà họ sở hữu, qua đó giảm chi phí vốn, giảm giá thành của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả về xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của NHTM là rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
1 Lê Xuân Hoàng Dương (2021), Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất ở để bảo đảm tiền vay tại NHTM theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội, trang 12.
2 Nguyễn Hồng Hải (2023), Lợi ích trọn vẹn khi xử lý tài sản bảo đảm đúng pháp luật, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/loi-ich-tron-ven-khi-xu-ly-tai-san-bao-dam-dung-phap-luat-post324421.html, truy cập ngày 20/5/2024.
3 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4 Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Anh Sơn (2005), Bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3.
5 Điều 103, 104, 105, 106, 107, 108 Bộ luật Dân sự năm 2015.
6 Khoản 5 Điều 52 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
7 Khoản 6 Điều 52 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
8 Khoản 7 Điều 52 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
9 Phan Đăng Hải (2020), Hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm nhằm bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, số 219, tháng 8/2020, trang 20.
10 Nguyễn Thị Vân Anh (2017), Xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba bảo đảm tiền vay trong hợp đồng tín dụng từ thực tiễn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, trang 50.
11 Vũ Việt Anh (2020), Xử lý nợ xấu theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội, trang 45.
12 Lê Thị Giang (2023), Quy định về xử lý tài sản bảo đảm và những vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 7/2023, trang 29.
13 Vũ Việt Anh (2020), Xử lý nợ xấu theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội, trang 45.
14 Nguyễn Đăng Điền (2019), Hoàn thiện pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tín dụng ngân hàng, https://isl.vass.gov.vn/thong-tin-phap-ly/nghien-cuu-trao-doi/Hoan-thien-phap-luat-ve-the-chap-tai-san-dam-bao-thuc-hien-nghia-vu-hop-dong-tin-dung-ngan-hang-6748.18, truy cập ngày 20/5/2024.
15 Nguyễn Hồng Hải (2023), Lợi ích trọn vẹn khi xử lý tài sản bảo đảm đúng pháp luật, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/loi-ich-tron-ven-khi-xu-ly-tai-san-bao-dam-dung-phap-luat-post324421.html, truy cập ngày 20/5/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3. Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.
4. Nguyễn Thị Vân Anh (2017), Xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba bảo đảm tiền vay trong hợp đồng tín dụng từ thực tiễn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
5. Vũ Việt Anh (2020), Xử lý nợ xấu theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội.
6. Lê Xuân Hoàng Dương (2021), Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất ở để bảo đảm tiền vay tại NHTM theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật Kinh tế, Học viện Khoa học xã hội.
7. Nguyễn Đăng Điền (2019), Hoàn thiện pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tín dụng ngân hàng, https://isl.vass.gov.vn/thong-tin-phap-ly/nghien-cuu-trao-doi/Hoan-thien-phap-luat-ve-the-chap-tai-san-dam-bao-thuc-hien-nghia-vu-hop-dong-tin-dung-ngan-hang-6748.18, truy cập ngày 20/5/2024.
8. Nguyễn Hồng Hải (2023), Lợi ích trọn vẹn khi xử lý tài sản bảo đảm đúng pháp luật, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/loi-ich-tron-ven-khi-xu-ly-tai-san-bao-dam-dung-phap-luat-post324421.html, truy cập ngày 20/5/2024.
9. Phan Đăng Hải (2020), Hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm nhằm bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, số 219, tháng 8/2020.
10. Lê Thị Giang (2023), Quy định về xử lý tài sản bảo đảm và những vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 7/2023.
11. Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Anh Sơn (2005), Bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3/2005.
ThS. Trần Linh Huân, TS. Trương Thị Tuyết Minh
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh