Nhu cầu tiêu thụ có thể sụt giảm vì sự phát triển mạnh mẽ của dòng xe điện. |
Vài năm trở lại đây, dòng sản phẩm xe điện đang ngày càng chứng tỏ ưu thế trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khi đạt được bước tăng trưởng nhảy vọt.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, tính đến cuối năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 26 triệu chiếc xe điện đang lưu thông trên khắp các nẻo đường, tuyến phố của các quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng mạnh 60% so với năm 2021.
Năm 2023, các nhà quan sát dự báo lượng xe điện bán ra có thể đạt 14 triệu chiếc, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ, cho thấy xu thế dịch chuyển sang sử dụng xe điện là chắc chắn. Với đà tăng trưởng bùng nổ này, thị trường xe điện ước tính sẽ chiếm thị phần hơn 18% năm 2023, trong khi năm 2022 là 14% và năm 2020 chỉ vỏn vẹn 4%.
Sức hấp dẫn của thị trường này buộc các hãng sản xuất xe ô tô không thể ngồi yên. Những chiến lược phát triển theo hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các dòng xe điện/lai điện liên tục được đưa ra, cùng với cả "núi tiền" được "đổ" vào mặt hàng giàu tiềm năng này.
Từ những "ông lớn" như Mercedes, Ford, Audi, Volkswagen... hay thương hiệu "quốc dân" của Việt Nam là VinFast cũng đều có kế hoạch đầu tư "khủng" với tổng giá trị hàng trăm tỷ USD trong vòng 5 - 10 năm tới để sản xuất các mẫu xe điện và lai điện.
Nhìn chung, sự phát triển của xe điện là điều tích cực đối với môi trường, thể hiện rằng các quốc gia đang rất nỗ lực phi carbon hóa, cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, khu vực trung tâm.
Tuy vậy, ở góc độ kinh tế, việc lựa chọn xe điện thay vì những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành/nghề, mà ở đây tiêu biểu là xăng dầu.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh một số rủi ro đối với ngành xăng dầu trong nửa cuối 2023, bao gồm: nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong nước do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động bấp bênh; rủi ro buôn lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ có thể sụt giảm vì sự phát triển mạnh mẽ của dòng xe điện.
Trước tiên về khả năng bất ổn định nguồn cung nội địa, VCBS cho biết Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt dòng tiền có thể dẫn đến việc phải dừng hoạt động. Áp lực là rất lớn khi nhà máy lọc dầu này sẽ phải bỏ ra 277 triệu USD vào tháng 11 năm nay để thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn, sau khi đã chi trả 375 triệu USD trả lãi vào tháng 5 trước đó.
Để giảm bớt gánh nặng, Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các ngân hàng đang đàm phán về kế hoạch tái cơ cấu nợ bằng việc đề xuất kéo dài thời hạn thanh toán khoản vay 2 tỷ USD trong 3,5 năm tới.
Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại chưa đồng ý thỏa thuận tái cấu trúc tài chính trên do điều khoản và điều kiện được đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của PVN, nên cần có phê duyệt nội bộ của tập đoàn, cũng như có thể phải xin phê duyệt các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là hai nhà máy lọc dầu quan trọng nhất của ngành xăng dầu nội địa, ước tính đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ của người dân, còn lại 30% đến từ nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc, Singapore. Trong đó, Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ trọng cung ứng khoảng 35%, có thời điểm lên đến 40%.
Đối với rủi ro buôn lậu, gian lận thương mại, VCBS cho biết tỷ lệ thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện chiếm trên 32% - là mặt hàng nhập khẩu chịu nhiều loại thuế nhất (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng...)
Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Bởi tỷ lệ thuế, phí cao, nên xăng dầu là khá hấp dẫn cho các hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam để trốn thuế, pha chế xăng dầu giả kém chất lượng.
Các đối tượng buôn lậu còn được kích thích hơn khi giá xăng dầu của Việt Nam đang được điều chỉnh bởi quỹ bình ổn giá và đang ở mức thấp hơn các nước trong khu vực. Đây là nỗi lo lớn, nhưng không mới đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính.
Như VCBS đề cập, rủi ro mới với ngành xăng dầu đến từ sự phát triển của xe điện khiến sản lượng tiêu thụ trở nên giảm sút. Các doanh nghiệp hạ nguồn (BSR, Petrolimex, PVOil... và các đơn vị đầu mối xăng dầu) sẽ chịu tác động đầu tiên, sau đó đến nhóm trung nguồn và thượng nguồn.
Không chỉ vậy, thực tế nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thời gian qua cũng đã chững lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Minh chứng qua thời kỳ dịch bệnh hoành hành, việc người dân "cửa đóng then cài" đã làm ngành xăng dầu nói chung và các "ông lớn" phân phối xăng dầu nói riêng trở nên "lao đao", hàng tồn kho "ứ đọng" dẫn đến các khoản thua lỗ đáng tiếc.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, khi xe điện lại mang đến làn gió lạc quan khác cho doanh nghiệp, chẳng hạn như trường hợp của Petrolimex - đơn vị đang chiếm 70% thị phần bán lẻ xăng dầu nội địa.
Cách đây không lâu, Petrolimex và VinFast đã chính thức khai trương dịch vụ sạc xe điện tại 10 cửa hàng xăng dầu đầu tiên trong hệ thống Petrolimex. Tận dụng lợi thế sở hữu số lượng lớn CHXD COCO tại các vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố (đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội), Petrolimex cùng Vinfast bắt tay triển khai mảng dịch vụ gia tăng bên cạnh các cửa hàng COCO của doanh nghiệp.
Trong tương lai, Vinfast và Petrolimex sẽ tiếp tục nghiên cứu các địa điểm phù hợp để mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ sạc xe điện, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như định hướng phát triển giai đoạn kế tiếp.
Theo kế hoạch, trong hai năm 2022-2023, hơn 500 trạm sạc xe điện VinFast sẽ được lắp đặt và phục vụ khách hàng cùng các trụ bơm xăng dầu trong khuôn viên cửa hàng Petrolimex trên toàn quốc. |
Ngoài cú bắt tay với "trùm" xe điện VinFast, sự trở lại của ngành hàng không được kỳ vọng phần nào "đỡ" nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bớt giảm sút. Ngành hành không phục hồi mạnh với triển vọng thuận lợi là đại dịch Covid-19 kết thúc trên thế giới và giá nhiên liệu giảm trong năm 2023.
Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự báo vận chuyển khách hàng nội địa sẽ sớm hồi phục. Theo đó, so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025.
Dẫu vậy, VCBS vẫn duy trì quan điểm trung lập với các "ông lớn" xăng dầu trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Trong đó, công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu 2023 của BSR giảm 20% còn 132.624 tỷ đồng; lợi nhuận 2023 giảm 56% so với cùng kỳ xuống còn 6.926 tỷ đồng; giá mục tiêu đưa ra là 22.102 đồng/cổ phiếu, cao hơn 6,7% thị giá.
Dự phóng doanh thu 2023 dành cho Petrolimex là 247.743 tỷ đồng, thấp hơn 18,5% kết quả thực hiện năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.905 tỷ đồng, tăng trưởng 117%, nhưng chủ yếu đóng góp từ khoản lãi thoái vốn PGBank trong quý III.
Trên cơ sở đó, VCBS khuyến nghị giá chốt lời cho cổ phiếu PLX là 45.780 đồng/cp, tương ứng mức sinh lời khoảng 13% so với thời điểm hiện nay.
Tương tự, VCBS cũng dự báo doanh thu của PVOil sẽ giảm 19% trong năm nay và đạt giá trị 84.300 tỷ đồng. Mức định giá công ty chứng khoán đưa ra cho cổ phiếu OIL là khoảng 13.000 đồng/cp, cao hơn 14% giá đóng cửa phiên gần nhất. Song, VCBS cũng chỉ đưa ra quan điểm trung lập với doanh nghiệp này.
Chốt ngày niêm yết Mỹ, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng trần với thanh khoản kỷ lục Ngay trước phiên giao dịch bùng nổ hôm nay, chiều tối 10/8, VinFast - "sếu đầu đàn" phụ trách mảng xe của Vingroup đón nhận ... |
Petrolimex đánh tiếng thoái vốn, cổ đông PLA hân hoan cùng "sắc tím", tài sản tăng "chóng mặt" Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Hạ tầng Xăng dầu (PLAND, UPCoM: PLA) vừa có văn bản giải trình về việc cổ phiếu ... |
Sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý II của 3 "anh cả" ngành xăng dầu Kết thúc quý II và 6 tháng đầu năm, ngành xăng dầu Việt Nam chứng kiến một bức tranh kinh doanh đa màu sắc. Trong ... |
Tân Mai