Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc trong tháng 3/2024 giảm khi xuất khẩu giảm, cũng như áp lực giảm phát gia tăng.
Thực tế này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng đà tăng trưởng vững vàng của kinh tế Trung Quốc ở thời điểm đầu năm nay sẽ khó để duy trì, theo nội dung bài báo được Bloomberg đăng tải.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sản lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp lớn nhất Trung Quốc giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính trong 3 tháng đầu của năm, lợi nhuận của nhóm này tăng 4,3% lên 1,51 nghìn tỷ Nhân dân tệ tương đương 208 tỷ USD, chững lại đáng kể so với thời kỳ hậu COVID-19.
Đáng nói, việc lợi nhuận doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc giảm trong tháng 3/2024 diễn ra sau khi lợi nhuận nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng 10,2% trong tháng 1 và tháng 2/2024. Xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 3/2024 và vì vậy không bù lại được việc nhu cầu nội địa suy giảm.
Giá bán các sản phẩm sản xuất giảm đã làm giảm đáng kể biên lợi nhuận của doanh nghiệp công nghiệp. Các doanh nghiệp này đã buộc phải tìm cách xuất khẩu nhiều hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu cho thấy rủi ro địa chính trị gia tăng từ việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất hàng ra thị trường nước ngoài.
Chính phủ nhiều nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc cố tình đẩy năng lực sản xuất thừa ra thị trường nước ngoài, đẩy hàng hóa giá rẻ tràn ngập ra các thị trường. Giới chức Mỹ và châu Âu đã tiến hành nhiều cuộc điều tra với sản phẩm từ Trung Quốc bao gồm phương tiện đi lại bằng điện, đồng thời nói đến việc có thể sẽ có những rào cản thương mại mới.
Tất cả những yếu tố này khiến cho giới chức Trung Quốc chịu áp lực phải đưa ra thêm các gói kích cầu tài khóa và tiền tệ dành cho thị trường nội địa. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ lãi suất trong năm nay, còn chính phủ Trung Quốc công bố chương trình tăng cường chi tiêu người dân vào ô tô và thiết bị gia đình bằng việc cung cấp chương trình trợ cấp cho việc đổi hàng cũ lấy hàng mới.
Chuyên gia phân tích tại NBS, ông Yu Weining, nhận xét: “Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ đã duy trì đà tăng trưởng trong quý đầu của năm. Giới chức Trung Quốc sẽ cố gắng để kích cầu và cải thiện niềm tin của các loại hình doanh nghiệp, đồng thời củng cố cho nền tảng của nền kinh tế công nghiệp”.
Trong khoảng 41 ngành nghề chính của kinh tế Trung Quốc, ước tính lợi nhuận tại khoảng 28 ngành nghề tăng, lợi nhuận của các ngành nghề còn lại giảm. Lợi nhuận tại nhóm các doanh nghiệp khai mỏ hạ 18,5% còn lợi nhuận nhóm ngành sản xuất tăng.
Một thách thức lớn khác mà Trung Quốc đang phải đối mặt là sự hạn chế trong khả năng hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được kỳ vọng sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ, sự không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và biên lợi nhuận ròng giảm tại các tổ chức cho vay thương mại vẫn đang hạn chế các nỗ lực này của PBOC.
Khu vực ngân hàng Trung Quốc cho đến nay vẫn phải gánh chịu rủi ro nợ xấu từ các doanh nghiệp bất động sản. S&P Global Ratings dự đoán tỷ lệ tài sản kém hiệu quả của các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ tăng từ mức ước tính 5,55% vào năm 2023 lên 5,75% vào năm 2026.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã kiềm chế thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ, có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia của S&P Global Ratings cũng lưu ý rằng, những gói kích thích tài khóa đã triển khai đang giảm dần hiệu quả.
Đăng Tuấn