Xuất khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp vẫn đối mặt với bài toán nguồn nguyên liệu

02/10/2024 - 17:33
(Bankviet.com) Dù bức tranh xuất khẩu đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, doanh nghiệp đối diện với bài toán nguyên liệu cũng như tiêu chí xanh tại thị trường nhập khẩu.
Xuất khẩu hàng hóa: Đón nhiều dấu hiệu khả quan Xuất khẩu hàng hóa thích ứng tiêu chuẩn xanh

Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với bài toán nguyên liệu, lao động

Tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex diễn ra ngày 28/9, đại diện Vinatex cho hay, 9 tháng năm 2024, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (mã VGT) ước đạt 13.036 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 490 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng gần 1% và 70% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.448 triệu USD, tăng 7%. Như vậy, so với kế hoạch năm 2024, 9 tháng, Vinatex đã hoàn thành 72,8% so với mục tiêu doanh thu và 89% mục tiêu lợi nhuận năm.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.448 triệu USD, tăng 7%. (Ảnh: Hải Linh)
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 9 tháng đầu năm 2024 đạt 1.448 triệu USD, tăng 7%. (Ảnh: Hải Linh)

Vinatex đánh giá, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu có xu hướng tiếp tục phục hồi, các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu khởi sắc hơn mặc dù tốc độ vẫn còn chậm. Tổng cầu dệt may của thế giới năm 2024 vẫn giảm khoảng 3-5% so với năm 2023. Tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi, GDP quý II tăng trưởng tích cực. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 28,6 tỷ USD hàng dệt may, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Với ngành may, đơn hàng dồi dào do sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar sang Việt Nam, việc bố trí sản xuất thuận lợi hơn so với năm 2023. Trong khi ngành sợi đã có sự phục hồi đáng kể nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giá bông nguyên liệu bị tác động nhiều bởi yếu tố đầu cơ và logistic nên tăng giảm đột ngột, rất khó đoán định và thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, Hàn Quốc – giá bán giảm liên tục chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhìn chung, trong 9 tháng qua, khó khăn lớn nhất, phổ biến nhất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là sự thiếu hụt lao động.

ngành xây dựng, trong khi hoạt động xuất khẩu duy trì được đơn hàng thì hoạt động sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tạ Đình Lân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1, thị trường xuất khẩu ổn định và giữ ở mức ngang bằng năm ngoái. Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là nguyên liệu, do ảnh hưởng của biến động tình hình kinh tế thế giới, do đó, các nhà cung cấp không nhập hàng sẵn về kho dự trữ, doanh nghiệp khi cần nguyên liệu sẽ phải đặt trước, trả tiền trước và chờ hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang đối diện với bài toán cạnh tranh về nguồn lao động, nhất là đối với ngành cơ khí nặng nhọc.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba), doanh nghiệp trên địa bàn đang chịu cảnh đơn hàng có nhưng bị ép giá, khi ở thế "cần việc để duy trì sản xuất". Cùng với đó, hàng rào kỹ thuật mới gia tăng chủ yếu xoay quanh các tiêu chí xanh, tức khả năng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài ra, đi sâu vào phân tích cơ cấu thì đơn hàng chủ yếu đến từ khối FDI, doanh nghiệp Việt vẫn "chạy cơm từng bữa".

Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nhiệp

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ I tháng 9/2024 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9/2024) đạt 28,55 tỷ USD, giảm 24,9% (tương ứng giảm 9,47 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2024. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2024 đạt 540,72 tỷ USD, tăng 15,9%, tương ứng tăng 74,26 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 năm 2024 đạt 14 tỷ USD, giảm 32,5% (tương ứng giảm 6,73 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 8/2024. Như vậy, tính đến hết 15/9/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 279,38 tỷ USD, tăng 14,8% tương ứng tăng 35,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2024 đạt 14,55 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 2,74 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2024. Như vậy, tính đến hết 15/9/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 261,34 tỷ USD, tăng 17,2% (tương ứng tăng 38,28 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Trọng tâm là: Tình hình chiến sự Nga - Ukraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; Diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc - EU; Xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục tận dụng, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên thuộc các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ từ các đối tác phát triển, mở cửa thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; Phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựg cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía Bắc.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương