Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ bứt phá trong quý II và cả năm 2024

22/04/2024 - 06:12
(Bankviet.com) Đơn hàng của các doanh nghiệp tương đối tốt và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ bứt phá trong quý II và cả năm 2024.
Quý I/2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam Bức tranh sáng nhất, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt trên 790 tỷ USD Chắt chiu cơ hội để đạt mục tiêu xuất khẩu 6% trong năm 2024

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, yếu tố quan trọng là cần thúc đẩy tổng cầu, ông bình luận gì về việc này?

Đúng vậy, tăng tổng cầu là yếu tố quan trọng để có thể giảm được lượng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong nền kinh tế. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng của các quốc gia trên thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Nhất là hiện nay, nhiều doanh nghiệp mới có đơn hàng đến hết tháng 6/2024, do đó việc tìm kiếm đơn hàng rất quan trọng.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Aseon Hà Đông
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Aeon Hà Đông

Về đầu tư công, năm 2023, chúng ta mới đạt được con số 93,5% (không đạt được con số 95% như Thủ tướng Chính phủ đề ra), nhưng đây là sự cố gắng rất lớn, bởi trong năm 2023, lượng vốn đầu tư công tăng hơn 23% so với năm 2022.

Sang năm 2024, lượng vốn đầu tư công khoảng 657 nghìn tỷ đồng. Mặc dù con số nhỏ hơn năm 2023 nhưng đây cũng là lượng vốn rất lớn. Nhưng điều quan trọng hơn đó là thực hiện đầu tư công trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Lý do vì chúng ta quyết định triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực có đất nền yếu, không có các mỏ đất để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng. Do đó, đây cũng là một trong những thử thách đối với đầu tư công trong năm 2024 này.

Và vì vậy, tìm kiếm các giải pháp khắc phục để có được nguyên nhiên vật liệu cũng như các yếu tố cần thiết để đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, từ đó, đẩy mạnh đầu tư công. Khi đó chúng ta mới có thể đạt được con số mong muốn là giải ngân vốn đạt 95% trong năm 2024.

Về tiêu dùng trong nước, quý I/2024, chúng ta có tốc độ tăng trưởng gần 9%. Đây là con số chưa phải là cao, nhưng so với năm 2023, chúng ta cũng có bước được cải thiện. Tuy nhiên, trong thực tế tốc độ tiêu dùng trong nước có những năm tăng gần 20%. Như vậy, làm sao để kích cầu tiêu dùng trong nước cũng là vấn đề rất quan trọng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Tất nhiên, những giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước cũng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai. Ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng 2%; giảm các tiền phí, lệ phí, tiền thuê đất,... nhưng tác động của những yếu tố này vẫn rất chậm. Vì thế, để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, cùng với các giải pháp của nhà nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc hạ giá thành sản phẩm, hạ giá bán, triển khai các chương trình khuyến mại để từ đó có được lượng bán hàng nhiều nhất.

Dù vậy, để việc bán hàng được nhiều nhất chúng ta còn phụ thuộc vào yếu tố khác nữa, trong đó có yếu tố thu nhập. Như chúng ta đã biết, trong năm 2023, thu nhập của người lao động gặp khó khăn, nhiều tầng lớp dân cư thu nhập không tăng hoặc tăng thấp. Do đó, người tiêu dùng tiết kiệm, không dám chi tiêu. Vì vậy, việc tăng thu nhập cho người lao động cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tổng cầu trong nước.

Từ những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội của quý I/2024, ông dự báo thế nào về tình hình kinh tế quý II này?

Tôi cho rằng quý II/2024, tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là do, quý I/2024, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm gần đây.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, cùng với việc lạm phát được kiểm soát, số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Do đó, cơ hội để quý II tăng trưởng kinh tế (GDP) tốt hơn là điều chúng ta cùng chờ đón.

Việc tăng trưởng kinh tế tốt hơn sẽ tác động ngược trở lại, giúp thu nhập của người dân tốt hơn, đầu vào cho sản xuất cũng cần nhiều hơn, từ đó tổng cầu trong nước tăng lên. Đây giống như hiệu ứng "bình thông nhau".

Về xuất khẩu hàng hóa, ông có dự báo gì cho quý II này?

Tôi cho rằng, quý II/2024, tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục tốt và có thể tốt hơn bởi đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang tăng lên.

Thực tế, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III. Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa trong quý III và quý IV sẽ nhiều hơn, từ đó, tạo cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu.

Đặc biệt là thị trường trọng điểm xuất khẩu như Hoa Kỳ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn. Trong quý I/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng rất tốt.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%).

Phía Hoa Kỳ cũng đang tạo mọi điều kiện để cho thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước. Mặt khác, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng nắm bắt được các yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Do đó, tôi cho rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý II/2024 nói riêng và cả năm 2024 sẽ bứt phá.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương