Đến giữa tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 270 tỷ USD Xuất khẩu hàng hóa: Góc lưu ý cảnh báo lừa đảo thương mại Xuất nhập khẩu hàng hóa: Điểm sáng bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm |
Tăng trưởng xuất khẩu 16%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 14,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,17 tỷ USD).
Xuất khẩu sang các thị trường FTA đều có sự phục hồi tốt |
Ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa đạt 17,26 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,7 tỷ USD).
Như vậy, tính đến trung tuần tháng 5, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 270,82 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD. Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất đều có tăng trưởng dương gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia. Trong đó, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tương nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc).
Khác với tình hình ảm đạm của năm trước, xuất khẩu dệt may năm nay có nhiều khởi sắc rõ rệt. Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 6,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III và đang đàm phán thêm đơn hàng cho quý IV. Với đà này, nhiều nhận định đưa ra, mục tiêu xuất khẩu dệt may cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, châu Âu… đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
Cùng với việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hàng hoá. Bởi khi sản xuất thay đổi, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, dệt may vẫn là nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản tăng giá nóng, với mức tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ 2023 - 2024 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái. Theo dự báo của VPSA, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) – nhận định, mặc dù kinh tế thế giới được nhận định chưa phục hồi và còn nhiều biến động do cạnh tranh và các vấn đề địa chính trị, tuy nhiên, năm 2024 được đánh giá khả quan hơn cho công tác xuất nhập khẩu. Theo đó, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ phục hồi nhẹ trở lại. Nguyên nhân được chỉ ra đó là lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU bắt đầu giảm dù chưa nhiều. Ngân hàng Trung ương các nước đã ngừng tăng lãi suất và có thể từ tháng 6 hoặc tháng 7 tới, nhiều nền kinh tế lớn sẽ giảm lãi suất, khi đó, kinh tế thế giới sẽ bắt đầu nhích dần lên.
Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thế giới. Cầu thế giới tăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng và nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ tăng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong suốt 2022 và cả năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tại nhiều nước không cao, lạm phát cao, lãi suất cao, nhiều nhà mua hàng tại các nước tạm dừng nhập khẩu, họ dùng hàng tồn kho để bán ra. Đến nay, lượng hàng tồn kho đã cạn, họ phải nhập khẩu trở lại, cầu thế giới bắt đầu tăng lên đôi chút. Cộng những yếu tố này lại giúp xuất khẩu của chúng ta hiện nay ở một số mặt hàng tăng tương đối, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Với những phân tích nêu trên, TS.Lê Quốc Phương cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi. “4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, tôi tin tưởng rằng, xuất khẩu hàng hóa cả năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2023 mà Bộ Công Thương đã đặt ra”, TS.Lê Quốc Phương đánh giá.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đánh giá, 4 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu hàng hóa có thuận lợi nhưng chỉ là trước mắt. Về lâu dài, với các xung đột chính trị trên thế giới; tình hình bảo hộ mậu dịch, thực hiện những điều ước quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA)... nên xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh của kinh tế thế giới. Trong đó, phải kể đến việc khối EU cảnh báo sẽ áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính... Do đó, ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi xanh.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá.
Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường FTA đều có sự phục hồi tốt.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định; thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá.